Ngày 3/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên y án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bà Lan là người duy nhất trong số 86 bị cáo của vụ án bị kết án tử hình.
Trước đó, tháng 4/2024, bà Trương Mỹ Lan đã bị kết án tử hình với các tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng số tiền liên quan đến vụ án lên tới 304 nghìn tỷ đồng (khoảng 12,5 tỷ USD).
Theo Hội đồng xét xử, có đủ căn cứ xác định bà Lan đã thâu tóm Ngân hàng SCB trong 10 năm. Tính đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã nắm giữ đến 91,5% cổ phần Ngân hàng này. Dù bà Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB, nhưng việc bà Lan sở hữu trên 91% cổ phần nên trên thực tế là người chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB.
Trong phiên xử phúc thẩm, bà Trương Mỹ Lan đã thành khẩn nhận tội và không kêu oan. Đồng thời cam kết trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước và tiền cho các trái chủ. Theo các luật sư của bà Trương Mỹ Lan, nếu tính con số tổng giá trị tài sản của bà Lan đang sở hữu thì lớn hơn số tiền phải có trách nhiệm đền bù theo bản án.
Tuy nhiên, việc định giá và thu hồi tài sản của bà Lan đang gặp nhiều khó khăn, vì đó là bất động sản. Cho nên cần phải có thời gian để giải quyết các vấn đề pháp lý, và cơ chế phát mãi tài sản để đền bù.
Theo Điều 40 Bộ Luật hình sự 2015, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ, và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng sẽ được miễn án phạt tử hình.
Như vậy, bà Trương Mỹ Lan nếu chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, tương đương khoảng 280.000 tỉ đồng, để khắc phục hậu quả thì sẽ được miễn án phạt tử hình, kể cả ở giai đoạn thi hành án.
Nguồn tin nội bộ của thoibao tiết lộ, vụ án Trương Mỹ Lan còn có sự dính líu sâu của Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, nên khó có thể xử lý án tử hình đối với bà Trương Mỹ Lan.
Vẫn theo nguồn tin nội bộ này, Cơ quan Điều tra của Bộ Công an đang tranh thủ “moi tiền” chạy “án tử” từ gia đình bà Lan. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan đã không chấp nhận trả thêm, nên các cơ quan tư pháp thống nhất vẫn tuyên án tử hình. Tổng Bí thư Tô Lâm cuối cùng sẽ là người đề nghị Chủ tịch nước Lương Cường ra Quyết định ân giảm từ án tử hình xuống thành án chung thân.
Theo giới thạo tin, bà Trương Mỹ Lan là một nhân vật mang “yếu tố” Trung Quốc rất lớn. Thậm chí tiền vốn kinh doanh chuyển qua lại giữa Vạn Thịnh Phát với Hoa lục đều do Cơ quan Tình báo Hoa Nam trực tiếp điều hành. Đây là lý do, những dấu hiệu vi phạm pháp luật trong kinh doanh của bà Trương Mỹ Lan dù đã bị phát giác từ rất lâu nhưng đã không bị xử lý, vì có sự giúp sức tích cực của“sâu chúa” Lê Thanh Hải.
Do vậy, việc bản án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan được đề nghị thành mức án chung thân là vấn đề hết sức nhạy cảm. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Tô Lâm cũng đã trở nên không mấy tốt đẹp. Vì lý do đó, ông Tô Lâm muốn tránh gây thêm căng thẳng trong lúc này.
Hơn nữa, Nhà nước Việt Nam đã quyết định bỏ ra tới 24 tỷ USD để cứu Ngân hàng SCB, nhưng kết quả lại không thể cứu vãn. Theo giới phân tích, bị cáo Trương Mỹ Lan bắt buộc “phải sống” để tiếp tục trả nợ. Bởi nếu như không cứu Ngân hàng SCB, một loạt các lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ bị kéo theo ra trước vành móng ngựa.
Trà My – Thoibao.de