Ngày 11/10/2024, ông Lương Cường khi đó là Thường trực Ban bí thư, đã đi thăm Trung Quốc. “Chuyến đi chầu” này là để mua lấy sự thừa nhận của “hoàng đế Trung Hoa”, cho chiếc ghế Chủ tịch nước mà ông chuẩn bị nhận.
Trước đó, ngày 18/8/2024, ông Tô Lâm cũng đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, trên cương vị Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Rồi sau đó, mới vừa nắm chức Tổng Bí thư được 15 ngày, ông Tô Lâm lại vội vàng sang “chầu” Bắc Kinh thêm một lần nữa.
Điều này cho thấy, cả ông Tô Lâm và ông Lương Cường đều tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Bắc Kinh. Có thể nói, trong “Tứ trụ” 4 chân, thì Tập Cận Bình đã nắm hết 2 chân. Hai chân còn lại, tùy thuộc vào sức mạnh chính trị của mỗi người trên chính trường. Vì thế, bất kỳ ai lên đến “Tứ trụ”, đều có nghĩa vụ phải “đảnh lễ” hoàng đế thiên triều, thì mới an tâm chiến với các “đồng chí” trong nước.
Từ khi ông Lương Cường lên làm Chủ tịch nước, ông tỏ ra năng động hơn các chủ tịch nước khác, đặc biệt là những hành động “kéo bè kết cánh” để tạo thanh thế. Đáng ngại hơn là, ông Lương Cường có vẻ như đang muốn nhất thống các phe phái mạnh trong Bộ Quốc phòng. Nếu ý đồ này thành công, thì ông Tô Lâm cũng cần phải dè chừng. Bởi một khi phe quân đội thống nhất, sức mạnh của họ sẽ áp đảo phe công an.
Trong Đảng Cộng sản Việt Nam lâu nay, đã xảy ra hiện tượng, nhìn Bắc Triều mà “liệu cơm gắp mắm”. Còn nhớ, khi mới lên Tổng Bí thư vào năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn lép vế so với ông Nguyễn Tấn Dũng. Ở Đại hội Trung ương 6, ông Trọng phát khóc vì không thể kỷ luật được ông Dũng, vì Trung ương Đảng ngả về ông Thủ tướng.
Tuy nhiên, việc ông Trọng được Tập Cận Bình chiếu cố, đã làm cán cân quyền lực dần nghiêng hẳn về phía ông. Cuối nhiệm kỳ, Nguyễn Phú Trọng thản nhiên đá văng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, bằng cái gọi là “giới hạn tuổi”, nhưng “trừ tao”.
Nguyên nhân của trò “lật kèo” này, được cho là, khi thấy “thiên triều” bảo hộ cho ông Trọng, phần lớn trong Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã bỏ rơi ông Dũng quay sang phò ông Trọng, khiến cán cân quyền lực đảo chiều nhanh chóng. Ngoài ra, còn có sự ủng hộ ngầm, với những hành động bí mật đằng sau hậu trường chính trị.
Ngày 15/1 vừa qua, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ông Tô Lâm đã điện đàm với ông Tập Cận Bình. Đây là cuộc điện đàm mang tính chiến lược của Tô Lâm. Trước kỳ ăn chia vào cuối tháng này, ông cần sự ủng hộ của Tập Cận Bình, để tạo lợi thế trên chính trường trước các phe còn lại. Có lẽ, ông Tô Lâm hiểu rất rõ chiến lược của ông Trọng để lật ngược thế cờ trước ông Dũng trước đây, nên ông cần sự hậu thuẫn của thiên triều chăng?
Dù ông Tô Lâm đang mạnh, nhưng vẫn chưa có được sức mạnh tuyệt đối. Dù đã nắm chức Tổng Bí thư và nắm chắc Bộ Công an, nhưng qua nửa năm làm chủ Ban Bí thư, ông vẫn đang loay hoay, chưa thể dọn hết được những “tàn dư” của Nguyễn Phú Trọng để lại.
Đã vậy, ông Lương Cường còn kéo bè kết cánh, để tìm cách cân bằng quyền lực với Tô Lâm. Điều đáng nói là, ông Tô Lâm không thể ngăn cản được Lương Cường làm điều đó. Đáng ngại hơn, ông Cường cũng “đảnh lễ” rất thành kính với thiên triều. Nếu ông Tô Lâm không tranh thủ sự ủng hộ của thiên triều, thì không loại trừ khả năng, ông Lương Cường có thể lật ngược thế cờ, như ông Trọng trước đây.
Báo chí nhà nước Việt Nam cho biết, ông Tô Lâm mời ông Tập Cận Bình sang thăm. Nhưng báo chí Trung Quốc thì không đề cập vấn đề này. Điều này cho thấy, khả năng là Tập Cận Bình vẫn còn đang cân nhắc.
Với vị trí Tổng Bí thư, ông Tô Lâm có lợi thế trong việc mang quyền lợi quốc gia ra “làm quà” cho thiên triều. Liệu ông có “cầu viện” được Tập Cận Bình hay không? Thời gian sẽ trả lời.
Thái Hà – Thoibao.de