Ngày 20/1, báo Tiếng Dân có bài bình luận ‘“Điểm nghẽn của điểm nghẽn” là cơ chế chính trị” của tác giả Hồ Phú Bông.
Theo tác giả, nhìn vào việc hàng loạt đảng viên cộm cán như phó thủ tướng, bộ trưởng… bỗng dưng “được” làm đơn xin nghỉ việc, để hạ cánh an toàn sẽ thấy rõ, “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Dù khi nhấn mạnh về “điểm nghẽn”, ông Tô Lâm chỉ nói về phát triển kinh tế, nhưng, sự thật, tất cả đều do cơ chế chính trị gây ra.
Tác giả nhắc lại, cả 3 ông Huệ, Phúc và Thưởng đều “được phép” gửi đơn “xin thôi các chức vụ”, sau khi bị Bộ trưởng Công an Tô Lâm phát hiện phạm pháp, mà không ai biết cụ thể mỗi người bị tội gì.
Trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc có khác hơn. Sau khi “được cho thôi các chức vụ”, ông tranh thủ một phiên họp để thanh minh chớp nhoáng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á”.
Sau đó, tác giả cho biết, nhà báo Huy Đức đặt vấn đề: “Họ thực sự cần một ông Chủ tịch nước bị truất phế đứng ra thanh minh?” Và “nguyên thủ tham nhũng mà quốc gia bó tay và nhân dân thì chẳng biết đâu là sự thật”.
Tác giả đánh giá, việc Đảng tự viết Hiến pháp, trong đó trao cho mình quyền lãnh đạo toàn diện, là nguyên nhân cốt lõi của “điểm nghẽn”. Các chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội đều do Đảng chỉ định, trong khi, thế giới văn minh họ tôn trọng những chức vụ đó vì do dân bầu.
Vẫn theo tác giả, gần đây, ông Tô Lâm có vài phát ngôn rất thẳng thắn. Ví dụ có bài báo viết Việt Nam đứng hàng thứ “5, 6, 7 và 8 của thế giới về công nghệ thông tin”, nghe thật là “vĩ đại”.
Ông nhận xét: “Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi, đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không”.
Hoặc câu: “Những năm 60, Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh là điểm sáng, Hòn ngọc Viễn Đông, Singapore cũng không bằng, nhưng giờ đây, tốc độ phát triển đã vượt rất xa”, ông Tô Lâm nói ngày 9/1.
Tác giả nhận định, không chỉ Singapore, mà cả Hàn Quốc trước đây cũng thua xa Sài Gòn. Nhưng trong khi Singapore và Hàn Quốc vươn lên thành 2 con rồng kinh tế, thì Việt Nam lại tự hào lo “lót ổ cho đại bàng đẻ”, để được làm công cho họ. Hiện người Việt rất ngưỡng vọng, nếu không muốn nói là bái phục họ!
Tác giả đặt vấn đề: Tại sao Việt Nam bị tụt hậu quá xa về mọi mặt so với họ? “Điểm nghẽn” nào đưa đến lạc hậu, nếu không phải là điểm nghẽn về cơ chế chính trị? Vì cơ chế chính trị bao trùm lên tất cả mọi sinh hoạt của xã hội.
Do đó, dù báo chí Việt Nam đang hợp xướng về “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” mà chỉ nghĩ thuần về mặt kinh tế, thì, điều chắc chắn đúng, đó là sự “ngộ nhận”, sự “tự huyễn hoặc”, sự “tự ru mình” của chính ông Tô Lâm, vì ông vẫn chưa thấy được “điểm nghẽn” cốt lõi.
Tác giả nhấn mạnh, “Điểm nghẽn” cốt lõi – đó là, ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư, ông đã vội vã sang Bắc Kinh gặp họ Tập, để tái xác nhận phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. Chấp nhận làm Xã hội Chủ nghĩa đàn em, vẫn trung thành trong vòng tay bá quyền phương Bắc, để “ổn định chính trị”. Mặt khác, lại đón mừng “bọn tư bản bóc lột” vào đầu tư, để được làm công nhân “cổ xanh” giá rẻ cho họ!
Tác giả kết luận, nếu thật sự muốn đất nước vươn mình, sớm trở thành rồng, thành hổ so với thế giới, chỉ có con đường duy nhất là phải từ bỏ độc tài đảng trị. Các chính quyền Nhật, Thái, Đài, Hàn, Sing… đã thành công đưa đất nước và dân tộc họ lên tầm cao thế giới, chưa phải là điển hình tiêu biểu, là bài học cụ thể cho Việt Nam hay sao?
Quang Minh – thoibao.de