Chức vụ Chủ tịch nước của ông Lương Cường vẫn là “hữu danh vô thực”!

Ngày 21/11, ông Tô Lâm – người đứng đầu một đảng phái chính trị, lại đại diện cho nhà nước Việt Nam đi thăm Malaysia.

Đáng nói là, Malaysia không cùng hệ thống chính trị với Việt Nam, không có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Với chức danh Tổng Bí thư, ông Tô Lâm chỉ có thể đại diện cho Đảng đi thăm những nước cùng hệ thống chính trị, như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, Lào.

Hiến pháp 2013 quy định, Nhà nước là một tổ chức tính chính trị, có quyền lực tối cao trong xã hội; Chủ tịch nước giữ vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Trước đây, khi ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng đã “dẹp Chủ tịch nước sang một bên”, để chính ông chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, rồi sau đó là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại Phủ Chủ tịch. Sinh thời, ông Trọng coi Võ Văn Thưởng là “con cháu”, nên ông dễ dàng gạt ông Thưởng ra, để chính ông làm thay công việc của Chủ tịch nước.

Vào tháng 10, ông Lương Cường được sự hậu thuẫn của phe quân đội, đã giật lấy ghế Chủ tịch nước từ tay Tô Lâm. Đây được xem là bước nhượng bộ đầu tiên của ông Tô Lâm, sau hàng loạt chiến thắng như chẻ tre trên chính trường.

Hiện, ông Lương Cường vẫn đang loay hoay tìm kiếm cách kết nối quyền lực giữa Chủ tịch nước với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì bất ngờ, ông Tô Lâm lại “dẹp vai trò Chủ tịch nước sang một bên”, để tự mình thực hiện công việc của Chủ tịch nước. Rất có thể, qua việc này, ông Tô Lâm muốn gửi thông điệp đến thành phần trong Đảng đang âm thầm chống lại ông, rằng, ông vẫn còn rất mạnh, và Lương Cường vẫn chưa có quyền lực thực sự.

Chuyến đi Chile của ông Lương Cường, từ ngày 9 đến ngày 12/11, cũng có thể xem là thông điệp của ông Lương Cường và phe quân đội. Chuyến đi ấy có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, cựu Tổng cục trưởng Tổng Cục 2 Phạm Ngọc Hùng, và Tổng cục trưởng Tổng Cục 2 Trần Công Chính.

Sau sự “kéo bè kết cánh” của phe quân đội, là hành động soán quyền Chủ tịch nước của ông Tô Lâm. Phải chăng, đây là đòn đáp trả của ông Tô Lâm đối với ông Lương Cường?

Sự lạm quyền của Tô Lâm một lần nữa cho thấy, ghế của ông Lương Cường vẫn là “hữu danh vô thực”. Ông Cường vẫn chưa có thực quyền trên chính trường đầy biến động hiện nay. Nếu không thể thể hiện bằng quyền lực thực sự, từ sự kết nối với phe quân đội, thì ông Lương Cường cũng chẳng khác nào các Chủ tịch nước tiền nhiệm, số phận rất mong manh.

Các Chủ tịch nước gần đây thường xuyên gặp đại họa, không họa sát thân thì cũng là họa gãy ghế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến “cái dớp” xui xẻo ấy, được cho là ghế này không có thực quyền. Vì vậy, khi giông bão chính trường nổi lên, thì ghế này phải bay là điều tất yếu.

Nếu ông Lương Cường muốn giữ ghế vững chắc, thì cần có sự liên kết mạnh hơn nữa với phe quân đội, và phải thể hiện quyền lực của mình, được Hiến pháp quy định, trước Tô Lâm.

Chính trường hiện nay đang chia rẽ một cách sâu sắc, phe quân đội ngày một thể hiện tham vọng cạnh tranh với phe công an. Ông Lương Cường cũng có tham vọng quyền lực rất lớn. Việc ông rời khỏi Ban Bí thư và giành lấy chức Chủ tịch nước, xem như, ông tự đem mình làm đối thủ chính trị của Tô Lâm.

Không rõ, ông Lương Cường có thể chấm dứt được tình trạng lấn sân của ông Tô Lâm hay không? Nếu ông không làm được điều này, thì bản thân ông sẽ rất bất an, bởi điều đó đồng nghĩa với việc ông không có thực quyền.

Cho đến nay, ngoài Tô Lâm, Nguyễn Phú Trọng và Lê Đức Anh, là những Chủ tịch nước có thực quyền, thì sức mạnh của ông Lương Cường vẫn là câu hỏi. Liệu, là một Đại tướng Quân đội ngồi ghế Chủ tịch nước, ông có làm được như ông Lê Đức Anh hay không? Nếu không, e rằng tương lai của ông sẽ xám xịt.

 

Trần Chương – Thoibao.de