Ngày 2/12, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Với Tổng thống Trump: Hà Nội phải kết thúc kỷ nguyên lập lờ thương mại” của tác giả Nam Việt.
Tác giả cho rằng, việc Tổng thống Donald Trump trở lại cầm quyền, đã dấy lên một bài tính đầy lo lắng với Hà Nội. Theo đó, Hà Nội cần chấm dứt tình trạng hàng hóa Trung Quốc đi qua cửa Việt Nam để vào Mỹ, mà trước đây, tình đồng chí và thế anh em hàng dưới, đã buộc Việt Nam chấp nhận. Bên cạnh đó, Hà Nội cần được Mỹ chấp nhận là một nền kinh tế thị trường.
Tác giả cho biết, theo thống kê, số lượng nhà sản xuất Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam, đã bùng nổ kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump. Các nhà nghiên cứu thị trường, cố vấn và luật sư doanh nghiệp… gần đây đang nói xa nói gần trên các trang báo nhà nước, về số lượng ngày càng tăng các nhà sản xuất “nước ngoài” đang đổ vào Việt Nam. Mà “nước ngoài” là cách nói phổ biến của Việt Nam, khi muốn nói về Trung Quốc mà không dám gọi thẳng tên.
Tác giả đề cập đến tình trạng, doanh nghiệp sản xuất nội địa của Việt Nam liên tục phá sản, trong khi, hàng hoá và cơ sở được xây dựng của các công ty Trung Quốc đặt bản doanh ở Việt Nam, đang rầm rập ngày đêm.
Tác giả dẫn lời ông Jack Nguyen, Tổng Giám đốc điều hành của Công ty dịch vụ chuyên nghiệp InCorp, nói trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, rằng, ông giúp 1 hoặc 2 công ty Trung Quốc thành lập tại Việt Nam mỗi tuần.
“Họ cần phải rời khỏi đại lục – ở Trung Quốc đang có những vấn đề kinh tế.”
“Tôi không thấy lý do gì khiến xu hướng đó không tiếp tục trong vài năm tới” – ông Jack nói.
Nhưng, tác giả đánh giá, với Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump, chuyện dùng Việt Nam làm bình phong để đưa hàng vào Mỹ đã rất cũ. Một nguồn tin không chính thức cho biết, Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam đã có trong tay danh sách các công ty Trung Quốc dùng Việt Nam để né thuế.
Thời của Tổng thống Biden có vẻ còn nương nhẹ với Việt Nam, không chỉ thẳng mặt, nhưng với nhiệm kỳ 2 của ông Trump, chuyện đang được đặt trên bàn cân với những mức thuế quan được đặt ra cụ thể đến choáng váng.
Tác giả dẫn một trang tin quốc tế, theo đó, đã có những ghi nhận về cách mà ông Trump nhìn xuyên qua hiện tình hiện nay ở Việt Nam. Cụ thể, “Made In Vietnam” sẽ được coi là “Made In China” mới, dưới thuế quan của Trump.
Trên trang tin này, Giáo sư Jason Miller từ Mỹ, nói:
“Nếu trước đây [hàng hoá] được sản xuất ở Trung Quốc, thì bây giờ, nó sẽ được sản xuất tại Việt Nam.”
“Việc sản xuất đó sẽ không quay trở lại Mỹ.”
Đó là vấn đề của Hà Nội lúc này.
Theo tác giả, ông Trump đã nhiều lần nói trong những tháng gần đây rằng, ông muốn thúc đẩy sản xuất của Mỹ, và làm cho hàng hóa sản xuất ở nước ngoài trở nên đắt hơn khi nhập khẩu bằng cách tăng thuế.
Tác giả cũng cho biết, Việt Nam vội vã chào mời thân thiện với chính ông Trump. Đầu tháng 10, Eric Trump – con trai Tổng thống đắc cử và Phó Chủ tịch điều hành của Trump Organization, đã công bố phát triển một dự án trị giá 1,5 tỷ USD, bao gồm các khách sạn 5 sao và sân gôn, ở một tỉnh ngoại ô Hà Nội.
Tác giả dẫn quan điểm của nhiều nhà bình luận, cho rằng, chính sách thuế quan của Trump sẽ chỉ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, Hà Nội phải tính toán cách tách mình ra khỏi bóng dáng của Trung Quốc, ít nhất là trong việc làm ăn, để không bị vạ lây, và quan trọng làm sao là không để Bắc Kinh khó chịu.
Từ chối cho các tập đoàn và công ty Trung Quốc núp bóng để nhập khẩu vào Mỹ, là một bước đi quan trọng, kết thúc trò lập lờ kinh tế với Mỹ. Được và mất hiện rõ trong bài tính sắp tới của Hà Nội, nhưng đứng một mình, cũng đang là một cơ hội.
Ý Nhi – thoibao.de