Dự án Bauxite Tây Nguyên bị thanh tra

Ngày 28/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên lọt vào tầm ngắm của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng”.

Theo đó, ngày 28/11, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra, nhắm vào việc quản lý, khai thác khoáng sản.

RFA cho biết, đáng chú ý, dự án khai thác quặng bô xít ở tỉnh Đắk Nông, là một trong những dự án thuộc diện bị thanh tra.

Ngoài ra, các dự án khai thác đất hiếm và vonfram ở các địa phương, như Lai Châu và Thái Nguyên, cũng thuộc diện thanh tra.

RFA dẫn tiết lộ của ông Lê Sỹ Bảy, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, nói trong cuộc họp báo công bố quyết định thanh tra rằng, đây là quyết định do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp đưa ra.

Theo RFA, trong những năm qua, Ban này được cho là đã đứng sau nhiều vụ thanh tra, nhắm vào các vụ án tham nhũng lớn, dẫn đến sự ra đi của nhiều quan chức cấp cao.

RFA nhắc lại, các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên từng khiến dư luận dậy sóng, hồi những năm 2008 và 2009, khiến các tướng lĩnh quân đội như Tướng Võ Nguyên Giáp và Tướng Đồng Sĩ Nguyên, lên tiếng phản đối.

Các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như Chu Hảo, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quang A, Nguyễn Huệ Chi, cũng đồng ký tên vào một bản tuyên bố, kêu gọi Bộ Chính trị, Quốc hội, và Chính phủ, dừng các dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

RFA cũng cho biết, các lo ngại xoay quanh vấn đề môi trường, kinh tế – xã hội, và đặc biệt là sự dính líu của phía Trung Quốc vào hoạt động khai thác trên địa bàn Tây Nguyên, được cho là có vai trò chiến lược của Việt Nam.

Hai dự án khai thác bô xít ở các tỉnh Tây Nguyên bị phản đối, gồm dự án Nhân Cơ ở tỉnh Đắk Nông, và dự án Tân Rai ở tỉnh Lâm Đồng.

Vào năm 2019, RFA từng có bài phân tích “Được gì sau 10 năm khai thác Bauxite Tây Nguyên?”

RFA đề cập đến tình trạng rò rỉ hóa chất trong quá trình hoàn thiện và tập kết vật tư, cộng với rơi vãi khi pha trộn hóa chất (xút), khiến độ PH từ nguồn nước thoát ra môi trường gần mức 11, tức là mức vượt quy chuẩn Việt Nam từ 6 đến 9 độ, theo báo cáo kết quả của Đoàn Thanh tra, thuộc Sở Tài nguyên Môi trường Lâm Đồng, vào tháng 9/2011.

RFA dẫn giải thích của Giáo sư Lê Huy Bá rằng:

“Khi xút vào trong nước và vào trong cơ thể sẽ hủy hoại hết, thí dụ vào đường ruột sẽ phá vỡ các tế bào ruột non, hít thở vào thì làm viêm mũi… Nói chung, xút là một chất cực độc, xếp vào loại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống.”

Đến tháng 7/2016, đường ống từ nhà máy Alumin Nhân Cơ tại Đắk Nông, do nhà thầu Chalieco – Trung Quốc phụ trách, bị vỡ khiến gần 9,6 mét khối hóa chất kiềm tràn ra ngoài.

RFA dẫn tin từ truyền thông trong nước, cho hay, kiềm thấm xuống lòng đất và chảy theo đường ống, đổ xuống suối Đắk Dao, khiến dòng nước trở màu đen sẫm, mặt nước nổi váng loang lổ, cá chết nổi lên, người dân tiếp xúc với ước chừng 10 phút thì tay chân ngứa ngày, da khô căng và rộp lên như bị bỏng. Về hiệu quả, RFA dẫn đánh giá của các chuyên gia, như Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Tiến sĩ Lê Bá Huy… đều cho rằng, dự án này không có lời nếu tính đầy đủ các chi phí.

Hơn nữa, Tiến sĩ Lê Bá Huy lo lắng:

“Trên độ cao 750 đến 800 mét, mà có những hồ chứa bùn đỏ lớn như thế, ai dám đảm bảo rằng, không có động đất hay vỡ đập? Khi đập vỡ thì lũ quét, mà lũ quét bằng bùn đỏ thì tai hại vô cùng.”

RFA dẫn tiếc nuối của ông Nguyễn Trung, nguyên cố vấn cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho rằng:

Tất cả những gì đầu tư vào bauxite Tây Nguyên, hoàn toàn đủ để tạo nên một Tây Nguyên có nền kinh tế xanh. Nếu được như vậy, thì chắc Tây Nguyên bây giờ đã khác hẳn rồi.”

 

Quang Minh – thoibao.de