Vì sao dự án khai thác bô xít Tây Nguyên bị thanh tra vào thời điểm này?

Lâu nay, dự án khai thác bô xít của Trung Quốc ở Tây Nguyên đã gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế và tác động môi trường. Ngày 28/11, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc quản lý, khai thác khoáng sản. Đáng chú ý, dự án khai thác quặng bô xít ở tỉnh Đắk Nông là một trong những dự án thuộc diện bị thanh tra.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy, đây là một quyết định thanh tra chuyên đề về quản lý khai thác, chế biến, kinh doanh đất hiếm, vonfram và quặng bô xít.

Được biết chủ trương này do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, và tiêu cực yêu cầu. Ban Chỉ đạo do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành lập từ năm 2013, được cho là đã đứng sau nhiều vụ thanh tra nhằm vào các vụ án tham nhũng lớn, dẫn đến sự ra đi của nhiều quan chức cấp cao. Hiện nay, Ban Chỉ đạo do Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phụ trách, trên cương vị Phó Ban thường trực.

Tây Nguyên là khu vực giàu trữ lượng bô xít, và được đánh giá là một trong những mỏ bô xít lớn nhất thế giới. Bô xít là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nhôm, một kim loại quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp như xây dựng, giao thông vận tải và quốc phòng.

Liên quan đến dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, đã có những tranh cãi và lo ngại từ dư luận. Các ý kiến chủ yếu xoay quanh việc sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm từ bùn đỏ, và lao động từ Trung Quốc đưa sang.

Đặc biệt là sự dính líu của phía Trung Quốc trong hoạt động tổ chức khai thác, đối với 2 dự án Nhân Cơ ở tỉnh Đắk Nông, và dự án Tân Rai ở tỉnh Lâm Đồng, dẫn đến quan ngại về sự phụ thuộc và ảnh hưởng của Trung Quốc.

Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên vào những năm 2008 và 2009, đã từng khiến dư luận ở Việt Nam dậy sóng. Các tướng lĩnh quân đội như Võ Nguyên Giáp, Đồng Sĩ Nguyên đã lên tiếng can ngăn. Cũng như các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng đã tuyên bố kêu gọi Nhà nước và Chính phủ dừng việc triển dự án này. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã khẳng định, đây là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, do đó vẫn chỉ đạo tiếp tục thực hiện.

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đã nhanh chóng được thúc đẩy và hợp tác phát triển kể cả ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên. Dự án khai thác bô xít Tây Nguyên bắt đầu triển khai khi Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực khai thác và chế biến.

Trong vai trò Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2001 đến 2011, ông Nông Đức Mạnh và Bộ Chính trị đã phê duyệt dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên từ năm 2001. Đến năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 167 phê duyệt quy hoạch khai thác bô xít giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025.

Truyền thông nhà nước đã lý giải về việc tổ chức thanh tra việc khai thác khoáng sản, và cho rằng, do những lo ngại về tác động tiêu cực của dự án bô xít Tây Nguyên này vẫn tồn tại cho đến nay. Nên việc dự án bô xít Tây Nguyên bị điều tra, thanh tra và xử lý được cho là để đảm bảo tuân thủ các quy định về môi trường, an ninh và hiệu quả kinh tế.

Theo giới quan sát, về thực chất, vấn đề không đơn giản như vậy, mà đây có thể là xuất phát từ một chủ trương nhằm hạn chế sự liên quan của Trung Quốc đối với Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm. Tuy nhiên, cũng không loại trừ các tình huống khác, nhất là có sự chỉ đạo từ Phó Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, và tiêu cực Phan Đình Trạc.

 

Trà My – Thoibao.de