Tranh giành quyền lực giữa 2 phe quân đội và công an từ nay đến trước Đại hội Đảng 14 sẽ ra sao?

Sau một thời gian kể từ cuối năm 2023, khi sức khỏe của Tổng Bí thư Trọng bắt đầu có vấn đề. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giữ thế thượng phong trong Đảng, với sức mạnh như chẻ tre. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm hiện nay đã suy giảm nhanh chóng.

Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Tô Lâm, Bộ Công an đã củng cố đáng kể vai trò trong chính trường Việt Nam. Bộ Công an đã thể hiện vai trò trung tâm trong việc thực thi quyền lực nhà nước. Chỉ trong vòng 172 ngày, từ vị trí Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã lần lượt đảm nhận các chức vụ Chủ tịch nước và sau đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, để tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo tập thể, ngày 21/10, Quốc hội đã bầu Đại tướng Lương Cường làm Chủ tịch nước, thay thế cho ông Tô Lâm. Một số nhận định cho rằng, đây là bước ngoặt lớn, và là thời điểm gió đã xoay chiều, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm và phe cánh.

Đáng chú ý, trước khi nhậm chức Chủ tịch nước, Đại tướng Lương Cường đã đi Bắc Kinh để gặp ông Tập Cận Bình theo lời mời từ Trung Nam Hải. Đây là một chuyến đi đầy khuất tất, báo trước Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ bước vào một thời kỳ hết sức khó khăn.

Từ trước đến nay, quân đội luôn luôn đóng vai trò nòng cốt trong chính trị Việt Nam, có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vai trò của quân đội đã có phần suy giảm đáng kể.

Việc ông Lương Cường, được bầu làm Chủ tịch nước gần đây được coi là động thái chiến lược nhằm cân bằng quyền lực giữa 2 phe quân đội và công an, để đảm bảo phe quân đội không bị yếu thế hoàn toàn so với phe công an của Tổng Bí thư Tô Lâm trong các điểm nóng tranh chấp.

Hiện nay, giữa quân đội và công an đang tồn tại các mâu thuẫn mang tính cạnh tranh, cả 2 đều muốn nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước; cũng như, mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, và các lĩnh vực khác có sự chồng lấn giữa quân đội và công an. Đây là điều đã tạo ra những cuộc đấu tranh quyền lực ngầm giữa các nhóm lợi ích giữa 2 phe.

Mối quan hệ giữa 2 lực lượng quân đội và công an sẽ tiếp tục là một yếu tố then chốt, liên quan đến nội bộ chính trường Việt Nam trước Đại hội Đảng 14. Giới phân tích tin rằng, các tướng lĩnh quân đội, nếu hành động thống nhất, có thể tạo ra những thay đổi đáng kể để tái cân bằng quyền lực. Đồng thời không cho phép phe công an của Tổng Bí thư Tô Lâm làm mưa làm gió như trước đây. Đặc biệt, phe quân đội có ưu thế được sự yểm trợ từ phía Bắc Kinh.

Trong khi đó, Tổng Bí thư Tô Lâm hầu như không có chỗ dựa vững chắc như phe quân đội. Kể cả sự ủng hộ của đa số các các lãnh đạo cấp cao trong Đảng và Ban Chấp hành Trung ương đối với Tổng Bí thư Tô Lâm cũng ở mức rất hạn chế.

Theo một số nhận định, đó là lý do, Tô Lâm đã phải dừng lại ý định cải cách thể chế trước đây, để thay bằng việc tinh gọn bộ máy nhà nước. Nhưng việc tinh gọn bộ máy nhà nước cũng khó có thể thành công.

Theo giới phân tích, trong thời gian tới, sự cạnh tranh giữa hai phe có thể tiếp tục leo thang, đặc biệt là trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14. Tuy nhiên, để tránh sự bất ổn, có khả năng 2 phe sẽ phải đạt được một thỏa thuận ngầm nhằm chia sẻ quyền lực, đảm bảo sự ổn định cho hệ thống chính trị.

Xin nhắc lại, Tổng Bí thư Tô Lâm đang đối mặt với 2 điểm yếu nghiêm trọng mà phe quân đội có thể khai thác để tấn công, đó là vụ án MobiFone mua AVG, và các hoạt động của Công ty Xuân Cầu Holdings.

 

Trà My – Thoibao.de