Muốn lên Thủ tướng, Nguyễn Thanh Nghị phải vượt qua ải nào?

Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Hunsen bên Campuchia đều từng là Thủ tướng, và 2 ông có nhiều sự tương đồng.

Cả 2 đều đang xây dựng, củng cố quyền lực cho các con của họ. Tuy nhiên, ông Hun Sen đã thành công, bởi ông là ông trùm trên đất Cam. Còn ông Ba Dũng lại là kẻ thua trong cuộc đấu chính trị với ông Nguyễn Phú Trọng, và phải đợi sau khi đối thủ chết đi, thì ông mới trỗi dậy.

Gần đây, con trai út của ông Dũng, là Nguyễn Minh Triết, đã có chuyến thăm Campuchia, gặp ông Hun Manny, con trai thứ của ông Hun Sen và là Phó Thủ tướng trong Chính phủ anh trai mình. Rõ ràng, ông Dũng đang muốn kết giao theo kiểu “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.

Ông Nguyễn Tấn Dũng hiện đang dùng hết khả năng, để giúp ông Nguyễn Thanh Nghị tiến xa hơn trên con đường chính trị, ít nhất, phải đến được vị trí mà ông từng đạt được. Tuy nhiên, ông Nghị mới chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng, còn khá xa vị trí Thủ tướng.

Hầu hết các thủ tướng đều trải qua các chức vụ lãnh đạo địa phương. Ông Nguyễn Tấn Dũng từng làm Bí thư tỉnh Kiên Giang; ông Nguyễn Xuân Phúc từng làm Phó Bí thư tỉnh Quảng Nam; ông Phạm Minh Chính từng làm Bí thư Quảng Ninh. Nguyễn Thanh Nghị cũng đã hoàn thành giai đoạn làm lãnh đạo địa phương. Ông từng là Bí thư tỉnh Kiên Giang, và hiện là Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Suất vào Bộ Chính trị vẫn còn chỗ. So với đầu nhiệm kỳ, số ghế uỷ viên Bộ Chính trị còn trống 2. Ông Ba Dũng đang làm mọi cách, để đưa cho được ông Nghị vào Bộ Chính trị, trước Đại hội 14, hoặc ít nhất là trong Đại hội 14, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Nếu không vào được bộ siêu quyền lực này, thì sự nghiệp chính trị của ông Nghị không thể tiến xa hơn.

Hiện 2 cơ quan có số uỷ viên Bộ Chính trị nhiều nhất, là Ban Bí thư và Chính phủ. Tổng Bí thư có vai trò giới thiệu nhân sự của Ban Bí thư vào Bộ Chính trị, còn Thủ tướng thì giới thiệu người trong Chính phủ vào bộ này.

Trong Chính phủ, có vẻ như, ông Nghị không có cửa, bởi hầu hết các suất uỷ viên Bộ Chính trị, đều dành cho những người nắm các bộ lớn, như Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, và Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng luôn chắc suất uỷ viên, cùng với một số phó thủ tướng. Vậy nên, cửa vào Bộ Chính trị của ông Nghị ở Chính phủ không cao, phải cạnh tranh với những tên tuổi nặng ký. Ông Phạm Minh Chính cũng khó chọn ông Nghị, vì e ngại những thế lực khác trong Chính phủ.

Để vào được Bộ Chính trị dễ dàng hơn, ông Nguyễn Thanh Nghị nên sang Ban Bí thư. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy những biểu hiện cho thấy, Tô Lâm định đưa Nguyễn Thanh Nghị vào Ban này. Giả sử, ông Nghị vào được Ban Bí thư, thì ông cũng không thể được ưu tiên hơn Nguyễn Duy Ngọc và Trần Lưu Quang.

Ghế uỷ viên Bộ Chính trị trống 2, nhưng cả Ban Bí thư và Chính phủ đều đang có người xếp hàng rất đông, chờ cơ cấu. Ở Chính phủ có Trần Hồng Hà, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Lê Thành Long, Nguyễn Văn Thắng, Trần Hồng Minh, Trần Văn Sơn, vv… đấy đều là những đối thủ rất nặng ký, so với Nguyễn Thanh Nghị.

Giả sử, ông Nghị được ông Tô Lâm kết nạp vào Ban Bí thư, thì ông cũng chỉ xếp thứ 3, trong khi Bộ Chính trị chỉ còn 2 suất. Tỷ lệ chọi rất cao, cơ hội cho Nguyễn Thanh Nghị không cao.

Ông Hun Sen đã lập ngôi cho Hun Manet khá dễ dàng, trong khi đó, ông Ba Dũng lại phải miệt mài vận động cho con. Trước khi ông Dũng yếu đi vì tuổi già, nếu vẫn chưa đưa được ông Nghị vào Bộ Chính trị, thì đấy là sự thất bại của gia tộc Ba Dũng. Bởi ông Nghị muốn tự đứng trên đôi chân của mình, thì trước hết, ông phải vào được Bộ Chính trị.

Con đường đi đến ghế Thủ tướng của ông Nguyễn Thanh Nghị, phải leo qua 2 ngọn núi cao, núi thứ nhất là Bộ Chính trị, núi thứ nhì là “Tứ trụ”.

 

Thái Hà – Thoibao.de