Tổ chức nhân quyền “Project 88” đã tiếp cận được bản án của vụ án Đường Văn Thái từ một nguồn tin đáng tin cậy. Bản án này tiết lộ có tổng cộng 7 người khác, và 5 trong số đó là quan chức Đảng hoặc Nhà nước, cũng bị kết án tù. Và trong vụ án này, ít nhất 60 người đã bị điều tra hình sự.
Cách đây hơn 1 tháng, trong một phiên tòa xét xử kín vào ngày 30/10/2024, ông Đường Văn Thái đã bị kết án 12 năm tù vì tội ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Vụ án chống lại ông Thái đã thu hút sự chú ý của quốc tế vì người ta tin rằng ông đã bị bắt cóc giữa ban ngày ngay phía bắc Bangkok vào ngày 13/4/2023 để áp tải về Việt Nam.
Do liên quan đến nhiều quan chức nhà nước, Hà Nội cung cấp rất ít thông tin về vụ án. Chính quyền đã không công khai kết luận điều tra, cáo trạng và toàn bộ các bản án. Họ cũng không cung cấp thông tin chi tiết về những gì ông Thái hoặc đồng phạm của ông đã làm hoặc lý do tại sao họ bị đưa ra xử kín.
Vụ án của ông Thái khiến chính quyền Việt Nam xấu hổ. Ngoài ông Đường Văn Thái, 5 trong số 7 người bị kết án đều là quan chức nhà nước đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu, những người bất mãn chế độ và biết rõ về tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực và hối lộ đang tràn lan ở Việt Nam. Việc tiết lộ chi tiết về vụ án này sẽ phản ánh hình ảnh xấu xí của chính quyền Việt Nam trong chiến dịch chống tham nhũng. Hơn nữa, ở Việt Nam, các phiên tòa xét xử kín là quá đỗi bình thường đối với các cáo buộc chính trị.
Tổ chức “Project 88” công bố nội dung tóm tắt bản án này để công chúng có thể tìm hiểu thêm về việc truy tố hình sự ông Thái và những đồng phạm bị cho là đã giúp sức cho ông Thái.
TÓM TẮT NỘI DUNG BẢN ÁN
Đường Văn Thái, cùng với 7 người khác bị truy tố trong cùng vụ án, đã bị kết án theo Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự: ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’.
Theo bản án, ông Đường Văn Thái, hiện 42 tuổi, bắt đầu viết về chính trị Việt Nam hồi năm 2018 và việc làm của ông bị cho là ‘bôi nhọ uy tín, danh dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước’ (trang 6 bản án). Sau khi bị công an triệu tập để thẩm vấn hồi tháng 2/2019, ông Thái đã trốn sang Bangkok, Thái Lan. Trong thời gian sống tại Bangkok, ông đã tạo hai tài khoản YouTube là Thái Văn Đường và Thai Dong Anh để đăng tải những bài chỉ trích chính quyền. Ông cũng tạo và quản lý nhóm Facebook Thai and Friends và nhóm Telegram Đường Văn Thái Channel, nơi ông chia sẻ các video và bài viết.
Trong quá trình điều tra, Bộ Công an đã giám định 35 video và 2 bài viết trên các kênh YouTube của ông Thái và kết luận rằng chúng ‘có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, phỉ báng chính quyền nhân dân, gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm danh dự, uy tín của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp’ (trang 7 bản án).
Theo bản án, 35 video và 2 bài viết có liên quan trong vụ án đã chỉ trích tình trạng tham nhũng và hối lộ của các quan chức cấp cao ở Việt Nam và phát tán các thông tin mật về tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Cơ quan An ninh Điều tra kết luận rằng mục đích của ông Đường Văn Thái khi đăng các video là nhằm ‘chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam’ (trang 12 bản án). Các video bao gồm:
• Video về cách thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra quyết định về các vị trí lãnh đạo nhà nước cấp cao.
• Video về tham nhũng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
• Video về vụ gian lận của Công ty Việt Á.
• Video đặt câu hỏi về việc chính phủ thông đồng với ngân hàng SCB để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
• Video bình luận về thông báo của Quốc hội rằng kho bạc Việt Nam đang trống rỗng.
• Video phân tích của ông Thái về Luật Đất đai sửa đổi, và dự đoán rằng luật này sẽ dẫn đến nhiều áp bức hơn.
• Video về thân thế của cựu chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
• Video chia sẻ tin đồn rằng một số CEO của các tập đoàn lớn tại Việt Nam bị cấm xuất cảnh.
• Video cáo buộc Đảng Cộng sản Việt Nam tham gia vào hành vi phân biệt tôn giáo.
• Video khẳng định nhiều đảng viên đã trở thành phản động.
• Video cáo buộc lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chạy án 8 triệu đô la.
Theo số liệu từ Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an, những video mà ông Thái đăng tải trên các kênh YouTube của mình, bao gồm cả những video trên, đã thu hút hơn 50 triệu lượt xem.
Theo bản án, Cơ quan An ninh Điều tra kết luận rằng nội dung các bài viết và video đăng tải trên các kênh YouTube và Facebook của ông Thái là do một số đối tượng, bao gồm các quan chức Đảng và Nhà nước cung cấp thông tin và tài liệu. Sau đây là danh sách 7 đồng phạm (5 người trong số đó là quan chức nhà nước đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu):
■ Nguyễn Văn Văn
Nguyễn Văn Văn là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Nguyễn và là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Văn bị đình chỉ sinh hoạt Đảng ngày 12/6/2023. Ngày 19/4/2023 (6 ngày sau khi ông Thái bị bắt cóc), ông Văn bị cáo buộc vi phạm Điều 117 và sau này bị kết án 5 năm rưỡi tù giam.
Khoảng cuối năm 2021, Nguyễn Văn Văn bắt đầu theo dõi các kênh YouTube của ông Thái và liên lạc với ông Thái qua Facebook và Telegram. Ông Văn bị cáo buộc gửi thông tin mật về tình hình kinh tế và chính trị của Việt Nam cho ông Thái. Những thông tin này được ông Thái đưa vào 11 video của mình. Cùng với việc trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu thì ông Văn còn hướng dẫn ông Thái cách viết bài, biên tập video clip hiệu quả để thu hút người xem, khuyên ông Thái nên lập ví điện tử và dùng tiền điện tử để những người ủng hộ có thể gửi tiền cho ông Thái bằng cách ẩn danh. Theo cơ quan chức năng, ông Văn còn trao đổi với bạn và có ý định mua giúp ông Thái một danh khoản Facebook có tích xanh để đăng tải video mà không bị đánh cắp danh khoản.
■ Trương Công Đại
Trương Công Đại là Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã bị khai trừ khỏi đảng vào ngày 6/6/2023 (2 tháng sau khi ông Thái bị bắt cóc đưa về nước) và bị cách chức vào ngày 29/6/2023.
Ông Đại bị cáo buộc vi phạm Điều 117 vào ngày 19/4/2023 (6 ngày sau khi ông Thái bị bắt cóc) và sau này bị kết án 4 năm rưỡi tù giam.
Từ tháng 10/2022, ông Trương Công Đại biết và bắt đầu theo dõi các kênh YouTube của ông Thái. Theo điều tra, ông Đại có nhiều bất mãn trong công việc và bất mãn với chính quyền. Vì lý do này, vào khoảng tháng 1/2023, ông Đại dùng tài khoản Twitter và Viber cá nhân liên lạc, làm quen với ông Thái. Với nguồn tin có được từ vị trí công tác, quan hệ xã hội, ông Đại đã thu thập nhiều thông tin và tài liệu để cung cấp cho ông Thái, từ đó ông Thái biên tập, sản xuất và đăng tải 3 video. Ngoài ra, ông Đại còn ủng hộ tài chính cho Thái với số tiền 8.000.000 VND.
■ Nguyễn Thiết Hùng
Nguyễn Thiết Hùng là một kỹ sư lao động tự do. Vào ngày 19/4/2023 (6 ngày sau khi ông Thái bị bắt cóc), ông bị cáo buộc vi phạm Điều 117 và sau này bị kết án 4 năm tù.
Khoảng cuối năm 2022, ông Hùng bắt đầu theo dõi trang Facebook và các kênh YouTube của ông Thái. Ông Hùng cũng tham gia nhóm Telegram của ông Thái. Sau đó, ông Hùng sử dụng Telegram và Viber để liên lạc với ông Thái và cung cấp các tài liệu và thông tin mà ông Thái sử dụng trong 3 video. Ngoài ra, ông Hùng đã đăng ký 5 danh khoản Facebook dưới tên mình và cho ông Thái quyền truy cập vào các danh khoản đó. Ông Hùng đã chia sẻ các bài viết của ông Thái, khuyến khích bạn bè và người quen của mình theo dõi các kênh YouTube của ông Thái và gửi cho ông Thái 1.200.000 VND.
■ Nguyễn Thanh Tùng
Ông Nguyễn Thanh Tùng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng ngày 11/5/2023. Giống như những đồng phạm khác, ông Tùng bị bắt vào ngày 19/4/2023 (6 ngày sau khi ông Thái bị bắt cóc) và bị buộc tội vi phạm Điều 117. Ông bị kết án 3 năm rưỡi tù giam.
Tháng 1/2023, ông Tùng bắt đầu theo dõi các kênh YouTube và trang Facebook của ông Thái. Vào tháng Hai, ông Tùng liên lạc với ông Thái qua Telegram và cung cấp thông tin cho ông Thái. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Thái sau đó đã sử dụng thông tin này trong 2 video và 2 bài viết.
■ Bùi Thị Khánh Phương
Bà Bùi Thị Khánh Phương là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị xoá tên trong danh sách Đảng viên ngày 7/7/2023. Bà bị bắt vào ngày 19/4/2023 (6 ngày sau khi ông Thái bị bắt cóc) và sau này bị kết án 2 năm rưỡi tù giam theo Điều 117.
Cuối năm 2022, bà Khánh Phương bắt đầu theo dõi trang Facebook và các kênh YouTube của ông Thái. Bà Khánh Phương đã liên lạc với ông Thái qua Facebook và Viber và cung cấp cho ông Thái thông tin nội bộ. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 2 video của ông Thái được thực hiện bằng thông tin do bà này cung cấp. Ngoài việc cung cấp thông tin, bà còn hướng dẫn ông Thái đưa tin nhiều hơn về đời tư của các lãnh đạo Đảng và nhà nước để thu hút nhiều người xem hơn.
■ Trần Quốc Khánh
Ông Trần Quốc Khánh là Tổng giám đốc công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế G7. Ông bị bắt ngày 19/4/2023 (6 ngày sau khi ông Thái bị bắt cóc) và sau này bị kết án 2 năm rưỡi tù giam theo Điều 117.
Khoảng tháng 12/2022, ông Trần Quốc Khánh bắt đầu theo dõi các kênh YouTube của ông Thái. Vào tháng 2/2023, ông Khánh liên lạc với ông Thái qua WhatsApp và cung cấp thông tin cho ông này. Khi xem các video của ông Thái, ông Khánh thấy ông Thái trích dẫn sai các văn bản pháp luật, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước hoặc không dẫn chứng được các quy định, nên ông Khánh chủ động thu thập các văn bản pháp luật, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước từ các trang mạng chính thức của Chính phủ, Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương…để cung cấp cho ông Thái. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Thái đã sử dụng các thông tin này trong 1 video. Ngoài ra, ông Khánh còn góp ý cho ông Thái cách nói chuyện sao cho thu hút và đôi khi giúp viết kịch bản video.
■ Vũ Tuấn Anh
Ông Vũ Tuấn Anh là Trưởng Ban Tổ chức – Kiểm tra, Tỉnh đoàn Bắc Giang. Ông Tuấn Anh bị buộc thôi việc vào ngày 25/12/2023. Ông cũng là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt Đảng ngày 5/7/2023. Ông Tuấn Anh bị bắt vào ngày 28/6/2023 (2 tuần sau khi ông Thái bị bắt cóc) và sau này bị kết án 2 năm rưỡi tù giam theo Điều 117.
Khoảng cuối năm 2022, ông Tuấn Anh bắt đầu theo dõi các kênh YouTube và trang Facebook của ông Thái. Vào tháng 2/2023, ông Tuấn Anh đã sử dụng Viber để liên lạc với ông Thái và cung cấp thông tin cho ông này. Theo kết quả giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông, có 1 video trên kênh YouTube của ông Thái do ông Tuấn Anh cung cấp thông tin.
Ngoài ra, bản án cũng liệt kê tên và thông tin của ít nhất 60 người đã bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập vì có liên quan đến bị cáo và các đồng phạm nhưng không bị buộc tội. Đặc biệt, đáng chú ý là vụ:
LÀM MỚI HỘ CHIẾU TẠI ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC
Đường Văn Thái có hộ chiếu đi du học Hàn Quốc, vì từ năm 2016 đến 2017, ông Thái theo học Thạc sĩ Quản lý đất đai tại Seoul, Hàn Quốc. Từ Thái Lan, ông Thái đã nhờ người bạn ở Hàn Quốc làm mới hộ chiếu (đã hết hạn) cho mình. Trích từ danh sách 60 người nêu trên:
● Nguyễn Trọng Bách đang lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc – giả bản thân là Đường Văn Thái, giúp ông Thái làm mới hộ chiếu tại Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Ông Bách không có mặt tại Việt Nam nên không thể xem xét trách nhiệm hình sự.
● Nguyễn Thị Sen: Bí thư Thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, có sai sót trong việc nhận diện khuôn mặt, xét duyệt hồ sơ làm hộ chiếu cho ông Nguyễn Trọng Bách, người giả làm Đường Văn Thái. Do bà Sen không biết Đường Văn Thái là ai, không có động cơ vụ lợi, nên chỉ bị cơ quan chủ quản xử kỷ luật, không bị xét trách nhiệm hình sự.
● Lê Thị Lệ Thu: Bí thư Thứ nhất, Trưởng Bộ phận Lãnh sự, có sai sót trong việc ký duyệt hồ sơ làm hộ chiếu cho ông Nguyễn Trọng Bách, người giả làm Đường Văn Thái. Do bà Thu không biết Đường Văn Thái là ai, không có động cơ vụ lợi, nên chỉ bị cơ quan chủ quản xử kỷ luật, không bị xét trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, trong danh sách hơn 60 người đã bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập vì có liên quan đến bị cáo và các đồng phạm, đặc biệt đáng chú ý là những người sau đây:
● Đoàn Huy Chương (sang Thái Lan tỵ nạn ở Thái Lan trước ông Thái): Hướng dẫn, hỗ trợ Đường Văn Thái rời khỏi Việt Nam.
● Phan Đình Sang (sống ở Lào): ông bị cáo buộc tiết lộ thông tin và tài liệu cho ông Thái. Mặc dù không được nêu trong bản án này, nhưng vào ngày 11/3/2024, Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố Phan Đình Sang theo Điều 117 và bị tuyên án 6 năm tù.
● Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Đã chuyển 23.000.000 VND cho Thái. Bà Hạnh khai lý do chuyển tiền là để ông Thái gỡ các bài viết, video về Tập đoàn Sunshine và Chủ tịch Tập đoàn là ông Đỗ Anh Tuấn. Bà Hạnh khai ông Thái yêu cầu Tập đoàn Sunshine phải chuyển tiền thì mới gỡ bài. Tuy nhiên, Thái khai việc chuyển tiền là do Hạnh chủ động chuyển, nói là chi phí hỗ trợ truyền thông, Thái không yêu cầu.
● Phạm Thị Nguyên Hạnh: Trao đổi thông tin với ông Nguyễn Văn Văn về nhân sự Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Bà Hạnh không biết ông Văn sẽ gửi tin này cho ông Thái. Đây không phải là bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Hạnh.
● Chu Thị Thủy: Trao đổi, bàn luận với ông Nguyễn Văn Văn thông tin không đúng sự thật về lãnh đạo Bộ Công An. Bà Thuỷ không biết ông Văn sẽ gửi tin này cho ông Thái. Đây không phải là bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Thuỷ.
● Nguyễn Huy Hùng: Bạn của ông Nguyễn Văn Văn, cung cấp cho ông Văn một công văn nội bộ của cơ quan chủ quản qua Zalo. Ông Hùng không biết ông Văn sẽ gửi tin này cho ông Thái. Đây không phải là bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Hùng.
● Nguyễn Minh Trang: Nhân viên nhà khách tỉnh Bắc Giang, cung cấp thông tin cho Trương Công Đại, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
● Dương Thị Phương Thảo: Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi- Bệnh viện Việt Đức, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
● Trần Thế Thọ: Nguyên trưởng phòng Kế hoạch thanh tra thuộc Thanh tra Chính phủ, cung cấp thông tin cho ông Nguyễn Thanh Tùng, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
● Trần Thị Thu Huyền: Cung cấp thông tin cho bà Bùi Thị Khánh Phương, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
● Võ Khánh Hưng: Giám đốc Công ty TNHH Hatec, cung cấp thông tin cho ông Trần Quốc Khánh, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
● Nguyễn Minh Thái: Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh An Bình, cung cấp thông tin cho ông Trần Quốc Khánh, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
● Nguyễn Công Oanh: Cung cấp thông tin cho ông Nguyễn Thiết Hùng, không biết thông tin này sẽ được gửi cho ông Thái và tin này không phải bí mật nhà nước nên không xem xét trách nhiệm hình sự.
Nguồn: https://the88project.org/ha-noi-bo-tu-nam-vien-chuc-dang-nha-nuoc-cung-mot-blogger/