Trong bối cảnh ban lãnh đạo Việt Nam đang ráo riết thực hiện sắp xếp và tinh gọn hệ thống bộ máy chính trị. Ngày 11/12, Chủ tịch nước Lương Cường, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh, người thống lĩnh các lực lượng vũ trang đã “bất ngờ” đến thăm và làm việc với Bộ Công an về vấn đề tinh gọn bộ máy.
Mối quan hệ giữa lực lượng công an và quân đội, luôn được nhấn mạnh là 2 lực lượng bảo vệ Đảng và chế độ. Và sự cạnh tranh giữa 2 lực lượng này vốn đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh quyền lực giữa 2 lực lượng chính trị “chủ công” này ngày càng gay gắt.
Theo giới phân tích, mặc dù cùng chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng giữa công an và quân đội vẫn tồn tại sự cạnh tranh về quyền lực và lợi ích trong nhiều lĩnh vực.
Hiện nay, các lãnh đạo của 2 phe quân đội cũng như công an đều đang tham gia vào cuộc chơi quyền lực hết sức phức tạp. Đây không chỉ phản ánh lợi ích chính trị, mà còn liên quan đến các lợi ích riêng giữa công an và quân đội.
Về quân đội, sự thống nhất đoàn kết trong nội bộ quân đội hiện tại đang gặp thách thức trước các động thái quyền lực từ nhiều phía. Mặc dù lãnh đạo Việt Nam luôn nhấn mạnh đến cái gọi là “sự đoàn kết và thống nhất” trong quân đội, nhưng thực tế cho thấy, trong nội bộ quân đội luôn tồn tại những cạnh tranh ngầm giữa các phe nhóm.
Trước đây, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy giữa ông Lương Cường và Phan Văn Giang tồn tại những xung đột về lợi ích và sự không thống nhất, liên quan đến một số quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Lương Cường là một nhân vật chủ chốt, từng giữ vai trò Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội trước khi được bầu làm Chủ tịch nước. Vai trò này giúp ông Cường nắm giữ sức mạnh chính trị trong quân đội, đặc biệt là trong việc kiểm soát công tác tư tưởng, tổ chức cán bộ trong quân đội.
Tuy nhiên, ông Lương Cường được cho là không có nhiều ảnh hưởng với các lãnh đạo quân đội khác, như Bộ trưởng Phan Văn Giang. Đại tướng Phan Văn Giang là người đại diện cho nhánh lãnh đạo kỹ trị, với ưu điểm về năng lực tác chiến. Ông Giang đã và đang giữ vai trò điều hành Bộ Quốc phòng, đồng thời chịu trách nhiệm về chiến lược quân sự, quốc phòng của Quân đội Việt Nam.
Trong khi đó, Tổng cục 2 – Tổng cục Tình báo Quốc phòng là một cơ quan có tầm ảnh hưởng lớn đặc biệt quan trọng đối với quân đội và chế độ, giữ vai trò nòng cốt trong việc thu thập thông tin tình báo chiến lược, đồng thời bảo vệ an ninh nội bộ trong quân đội Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là đang nỗ lực mở rộng ảnh hưởng vào cả 2 lực lượng công an và quân đội. Sự tham gia của ông Tô Lâm vào các vấn đề nhân sự và chiến lược tại Tổng cục 2 trong thời gian vừa qua đã cho thấy, ông Tô Lâm đang nỗ lực sử dụng sức mạnh chính trị của mình, để điều chỉnh cục diện quyền lực trong phe quân đội. Điều này được cho là để củng cố vị thế của ông Tô Lâm trong các quyết định quan trọng của phe quân đội.
Tuy nhiên, sự thay đổi lãnh đạo tại Tổng cục 2 cùng sự liên minh giữa Lương Cường và Phan Văn Giang trong thời gian gần đây có thể là những trở ngại cho tham vọng độc chiếm quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Chủ tịch nước Lương Cường và Bộ trưởng Phan Văn Giang đang tìm cách hợp tác để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của ông Tô Lâm. Chuyến thăm Chile của Chủ tịch nước Lương Cường vào tháng 11/2024, với sự tháp tùng của Bộ trưởng Phan Văn Giang và các lãnh đạo quân đội khác, được xem là dấu hiệu của sự hợp tác này.
Mới đây nhất, việc Chủ tịch nước Lương Cường “bất ngờ” đến thăm và làm việc với Bộ Công an, có thể cũng là một thách thức công khai của phe quân đội đối với người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm, trong cuộc cạnh tranh quyền lực.
Trà My – Thoibao.de