Ngày 13/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Phúc – cựu Thủ tướng, cựu Chủ tịch nước. Cùng bị kỷ luật với ông Phúc, còn có bà Trương Thị Mai – cựu Thường trực Ban Bí thư; ông Trương Hòa Bình – cựu Phó Thủ tướng Thường trực dưới thời của ông Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc bị kỷ luật do những sai phạm xảy ra trong thời kỳ ông làm Thủ tướng Chính phủ. Kết luận của Bộ Chính trị vẫn theo lối chung chung như mọi kết luận khác, kiểu như “Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước v.v…”
Hình thức kỷ luật cảnh cáo được xem là nhẹ thứ nhì, sau hình thức khiển trách. Với một người không còn chức vụ gì trong Đảng và nhà nước, thì hình thức kỷ luật này chỉ mang tính tượng trưng, vì không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của ông.
Ông Phúc bị cho là dính dáng đến rất nhiều sai phạm khủng, như các vụ: Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát vv… Chính vì thế, ông được cho là sở hữu rất nhiều tài sản chìm nổi.
Ông Phúc bị đánh giá là “ăn bạo”, nhưng cũng rất khôn khéo trong việc che đậy. Đặc biệt là trong những tình huống “hiểm nghèo”, ông vẫn biết cách chộp lấy cơ hội để tự bảo vệ.
Còn nhớ, ngày 4/2/2023, trong buổi lễ bàn giao chức Chủ tịch nước, tại Văn phòng Chủ tịch nước, ông Phúc đã chộp lấy cơ hội “ngàn vàng” để phát biểu trước báo chí rằng:
“Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, không tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng.”
Phát biểu trên được xem là kịch bản mà phe ông Trọng không ngờ tới. Có thể, chính nhờ lời phát biểu công khai đó, mà ông Trọng không thể “lật lọng”, không thể ra tay bắt bớ vợ con ông Phúc, bởi đã có Ủy ban Kiểm tra Trung ương bảo chứng.
Đấy là sự lọc lõi hơn người mà ông Phúc có dịp “trổ tài” trước bàn dân thiên hạ. Ẩn dưới ngoại hình như một “anh hề”, với phong cách luộm thuộm, xuề xòa, là một kẻ tinh ranh hơn người. Có thế, ông mới leo lên được đến ghế Thủ tướng, rồi ghế Chủ tịch nước, mặc dù Chính phủ dưới thời ông toàn là những kẻ tham nhũng, nay đa phần đã bị kỷ luật về vườn, hoặc đang ngồi tù.
Với vai trò là người đứng đầu, ông Phúc phải chịu trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, ông lại chỉ bị kỷ luật nhẹ hều, nhẹ hơn thuộc hạ.
Lý do tại sao?
Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, ông Tô Lâm đánh giá, chỉ cần xà xẻo lại phần tài sản mà ông cựu Thủ tướng từng đi xà xẻo của dân, có lợi hơn là bắt ông tống vào tù. Hơn nữa, ông Phúc cũng rất khôn ngoan trong việc lợi dụng dư luận để tự bảo vệ. Việc chộp lấy cơ hội để phân bua trước báo giới, vào ngày 4/2/2023, là bài học lớn cho những kẻ muốn ép Nguyễn Xuân Phúc vào thế bí. Vì thế, ép ông Phúc nhả tiền ra mua để đổi lấy sự an toàn, là giải pháp tốt cho tất cả.
Với mức kỷ luật nhẹ nhàng là cảnh cáo, xem ra, một lần nữa, ông Phúc đã mua được sự an toàn cho mình. Tuy nhiên, những tội đã khui ra của ông Phúc vẫn chưa phải là tất cả các tội lỗi của ông. Trong suốt 5 năm làm Phó Thủ tướng Thường trực, 5 năm là Thủ tướng, chắc chắn, ông Phúc có liên quan đến rất nhiều vụ sai phạm. Vậy nên, có thể, lần hạ cánh này của ông chưa chắc đã an toàn mãi mãi.
Rất có thể, trong tương lai, sẽ lại có thêm những vụ án mới được khui ra. Nếu lúc đó, túi tiền của ông cựu Thủ tướng cạn đi, không còn đáp ứng được yêu cầu của đối thủ, thì có khi, ông lại “gãy càng”.
So với việc 5 phó thủ tướng và hàng loạt bộ trưởng vi phạm luật Đảng hoặc luật pháp, thì tội của ông Nguyễn Xuân Phúc như “núi”, chưa thể đào bới hết được.
Trần Chương – Thoibao.de