Sau khi kế hoạch “cải cách thể chế”, nhằm đưa đất nước vào “kỷ nguyên mới”, được cho là phải hạ màn không kèn không trống, Tổng Bí thư Tô Lâm phải xoay chuyển sang chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, với quyết tâm sẽ kết thúc việc triển khai trong thời hạn trước quý 1 năm 2025.
Theo giới phân tích, việc tinh gọn bộ máy là hết sức phức tạp, có liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt có liên quan đến cuộc sống của khoảng gần 3 triệu cán bộ, công chức, viên chức của nhà nước. Đây không phải chỉ là vấn đề có thể giải quyết rốt ráo “một sớm, một chiều”, như tham vọng của ông Tô Lâm.
Kế hoạch tinh giản bộ máy theo Nghị quyết 18/NQ – TW, đã được ban hành từ năm 2017 từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng việc triển khai không đạt được kết quả như mong muốn. Trái lại, bộ máy nhà nước và số lượng công chức, viên chức vẫn tiếp tục phình to hơn trước.
Chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, đã có không ít ý kiến cho rằng, việc này có thể được ông Tô Lâm sử dụng như một phương cách để loại trừ các đối thủ chính trị trong nội bộ Đảng.
Mới nhất, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, hiện đang có 184 Luật và khoảng 200 Nghị định có liên quan đến việc tinh gọn bộ máy, cần phải sửa đổi và bổ sung ngay, để bộ máy có thể hoạt động thông suốt.
Theo đó, các văn bản này cần bổ sung điều khoản chuyển giao những nhiệm vụ từ các Bộ trước khi sáp nhập, hợp nhất, để nhiệm vụ trong những cơ quan mới hợp nhất được tiếp tục tiến hành thuận lợi. Điều này đã cho thấy, chủ trương việc tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra, hoàn toàn chưa được chuẩn bị kỹ càng.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy trong quý 1/2025, với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, và “Trung ương làm không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở”.
Theo giới chuyên gia, việc đặt ra thời hạn ngắn như vậy, có thể dẫn đến thiếu thời gian cho việc chuẩn bị kỹ, và thực hiện một cách toàn diện. Hơn nữa, với thời gian triển khai gấp rút như vậy, có thể dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Mặt khác, việc tinh gọn bộ máy cũng sẽ đụng chạm đến lợi ích của rất nhiều cá nhân và tổ chức, đặc biệt là những người có quyền lực, hoặc thành phần con ông cháu cha. Điều này sẽ tạo ra lực cản quyết liệt, khiến cho việc thực hiện chủ trương trở nên khó khăn, và có nguy cơ thất bại.
Có ý kiến cho rằng, kế hoạch của ông Tô Lâm tại thời điểm hiện nay, đã và đang bị số đông các lãnh đạo cấp cao phản đối. Việc Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây phải xử lý kỷ luật một loạt các nhân vật lãnh đạo cấp cao để răn đe, là một ví dụ.
Nói cách khác, “Tinh gọn bộ máy” sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người này, dẫn đến tình trạng “bóp chỗ nọ lại phình chỗ kia”, gây trở ngại lớn cho nỗ lực tinh gọn, và nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước.
Tóm lại, chủ trương tinh gọn bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm khó có thể thành công, do phải đối mặt với nhiều thách thức, xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Đó chính là lý do, Tổng Bí thư Tô Lâm đã sớm thừa nhận rằng, đây là “vấn đề khó, thậm chí rất khó, và có thể gặp phải những lực cản quyết liệt trong nội bộ Đảng”.
Việc tinh gọn bộ máy được xem là phép thử để Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện tài năng lãnh đạo trước thềm Đại hội 14. Tuy nhiên, do “dục tốc, bất đạt”, công cuộc này đã thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần, và đủ để có thể thành công.
Do vậy, chủ trương “tinh gọn bộ máy” của Tổng Bí thư Tô Lâm, có khả năng rất cao sẽ thất bại và tiếp tục đi theo “vết xe đổ” của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Trà My – Thoibao.de