Liệu Nguyễn Xuân Phúc và gia đình sẽ bị xử lý hình sự hay không?

Ngày 13/12, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và khiển trách bà Trương Thị Mai. Như vậy, sau ông Vương Đình Huệ, ông Nguyễn Xuân Phúc là “Tứ trụ” thứ 2 bị kỷ luật cảnh cáo sau khi đã mất chức.

Bộ Chính trị đã nêu những sai phạm của ông Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai được cho là tương tự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Nhưng việc không chỉ ra cụ thể, chi tiết hành vi sai phạm của 3 cựu lãnh đạo cấp cao này, đã khiến công luận hết sức băn khoăn.

Trong thời gian gần đây, số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là sau khi ông Mai Tiến Dũng – cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, bị truy tố.

Trước đây, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng cũng từng bị kỷ luật cảnh cáo, nhưng sau đó vẫn bị khởi tố bắt giam. Vì thế, việc ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến nay, đã bị kỷ luật cảnh cáo từ Bộ Chính trị, nhưng tiếp sau đó sẽ có thể bị xử lý hình sự hay không, còn phải chờ xem thái độ của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo giới phân tích, việc xử lý ông Nguyễn Xuân Phúc, không chỉ thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, mà còn là phép thử quan trọng đối với Tổng Bí thư Tô Lâm, về quyền lực cũng như vị thế chính trị của ông trong Đảng tại thời điểm hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, chủ trương tinh gọn bộ máy của ông Tô Lâm đã và đang bị số đông lãnh đạo cấp cao phản đối, cho nên buộc Tổng Bí thư Tô Lâm phải sử dụng kế sách “giết gà để dọa khỉ”. Và việc xử lý kỷ luật với các nhân vật, như Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai là để thị uy, nhằm răn đe số lãnh đạo ngoan cố chống đối còn lại.

Việc truy cứu hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, được cho là một quyết định hết sức khó khăn đối với Tổng Bí thư Tô Lâm trong lúc này. Bởi đây là một vấn đề liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau và đòi hỏi sự thận trọng cao độ. Điều này xuất phát từ tính chất nhạy cảm và phức tạp của vụ việc, khi ông Nguyễn Xuân Phúc đã từng 2 lần giữ vị trí “Tứ trụ” trong bộ máy lãnh đạo. Việc xử lý ông Phúc có thể gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính trị, và lòng tin của công chúng.

Mặt khác, ông Nguyễn Xuân Phúc còn có mối liên hệ chằng chịt với các cá nhân cũng như các phe cánh khác trong Đảng. Hơn nữa, việc xử lý kỷ luật lãnh đạo cấp cao như ông Phúc đòi hỏi sự đồng thuận, và quyết định từ nhiều cấp lãnh đạo trong Đảng. Những yếu tố đó đã khiến cho quá trình này trở nên phức tạp và cần phải thận trọng.

Đó là chưa kể đến tình tiết, theo nguồn tin nội bộ của thoibao mới đây cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc và gia đình đã chạy án với số tiền rất lớn cho Bộ Công An? Điều đó đã làm chậm trễ thời gian công bố kỷ luật của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Nói về khả năng ông Nguyễn Xuân Phúc và gia đình có thể bị khởi tố hình sự hay không? Vẫn theo nguồn tin nội bộ của thoibao, có lẽ việc xử lý kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Phúc đã là quyết định cuối cùng. Bởi lý do, mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quyết định bổ nhiệm Bí thư tỉnh Lạng Sơn là ông Nguyễn Quốc Đoàn giữ chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Ông Đoàn lại là con rể của Trung tướng Trần Văn Vệ – cựu quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an.

Được biết, Trung tướng Trần Văn Vệ vốn là đệ tử ruột của ông Bảy Phúc. Ai cũng còn nhớ vụ án mạng một bé trai học sinh bị tử vong trong Trường Quốc tế Gateway. Vụ án mạng nghiêm trọng này sau đó nhanh chóng chìm xuồng, vì con gái của Nguyễn Xuân Phúc và con gái của Trung tướng Trần Văn Vệ, sở hữu 70% cổ phần của Trường Quốc tế Gateway.

 

Trà My – Thoibao.de