Chủ tịch nước – ghế “ma ám” gây sóng gió, Lương Cường vẫn chưa có giải pháp “trừ tà”?

Tô Lâm ngồi ghế Chủ tịch nước đúng 5 tháng thì rời ghế, và trở thành người ngồi ghế này ngắn nhất từ trước đến nay. Có lẽ, vì ngồi ghế này trong thời gian quá ngắn, nên “vận đen” chưa kịp vận vào người ông chăng?

Hiện nay, Lương Cường là đương kim Chủ tịch nước. Ắt hẳn, ông Đại tướng Quân đội thừa hiểu rằng, ghế ông đang ngồi không có thực quyền, căn cứ theo Hiến pháp và pháp luật. Nếu không tìm kiếm cho mình những quyền lực, thông qua các mối liên kết đằng sau, thì nguy cơ ông bị thế lực khác hạ bệ là rất cao. Bởi, dù chỉ là ghế hữu danh vô thực, nhưng vị thế này vẫn thuộc mâm quyền lực cao nhất – “Tứ trụ”.

Tuy nhiên, ngồi trên mâm cao nhất, nhưng trong tay lại không thực quyền, thì lời nói của ông Lương Cường cũng không có trọng lượng. Mâm cỗ cao nhất này hiện gồm 4 nhân vật: Tô Lâm, Lương Cường, Phạm Minh Chính và Trần Thanh Mẫn. Nhưng trong đó, chỉ có Tô Lâm là người nắm binh quyền, rõ ràng, Tô Lâm có công cụ để đe dọa 3 nhân vật còn lại.

Có Bộ Công an giống như có “thanh kiếm” sắc bén trên tay, khi Tô Lâm muốn uy hiếp 3 nhân vật còn lại, ông chỉ cần lôi hồ sơ đen của họ ra để đe dọa. Như vậy, khác nào Tô Lâm kề kiếm vào cổ họ, buộc họ phải nghe theo ý muốn của ông?

Giả sử, tình huống lúc này không còn là chỉ có một mình Tô Lâm có kiếm, mà cả Lương Cường cũng chi phối được Bộ Quốc phòng, như có một “thanh kiếm” khác giắt hông. Lúc đó, nếu Tô Lâm muốn tuốt kiếm ra nói chuyện, thì Lương Cường cũng có thể tuốt gươm ra chống đỡ, buộc Tô Lâm phải cư xử biết điều hơn. Thậm chí, khi Tô Lâm rút kiếm ra đe dọa 2 nhân vật tứ trụ còn lại, không có vũ khí trên tay, thì Lương Cường vẫn có thể tuốt gươm đỡ giùm kẻ khác. Vậy nên, có thể thấy, một khi Lương Cường được Bộ Quốc phòng hậu thuẫn, thì chắc chắn rằng, đất diễn của Tô Lâm sẽ bị thu hẹp đáng kể. Lúc ấy, Tô Lâm không thể lộng hành, muốn làm gì thì làm như hiện nay. Còn ông Lương Cường thì sẽ thu hút được những phe đang yếu thế.

Trên đây chỉ là một tình huống giả tưởng, còn thực tế, giữa ông Lương Cường và ông Phan Văn Giang có lẽ vẫn chưa hình thành được mối liên kết đúng nghĩa.

Trong chuyến đi Chile hồi tháng 11 vừa qua, ông Cường kéo theo các ông Phan Văn Giang, Phạm Ngọc Hùng và Trần Công Chính đi theo, như là cách thể hiện với ông Tô Lâm rằng, ông đang tạo dựng lực lượng cho mình. Tuy nhiên, cho tới nay, liên minh của phe quân đội hình như vẫn yếu ớt, không đủ để cân bằng với thế lực của Tô Lâm.

Ông Tô Lâm xây dựng hậu phương tại Bộ Công an trong 8 năm, còn ông Lương Cường, chỉ sau khi lên Chủ tịch nước mới vội vã tạo liên minh một cách vá víu, lỏng lẻo, trong khi đó, chỉ còn 1 năm nữa là đến Đại hội ăn chia lần thứ 14 của Đảng. Như vậy, ghế Chủ tịch nước của ông Lương Cường vẫn đang phải hứng chịu sóng gió, đặc biệt là từ phía Tô Lâm.

Có thể nói, ông Lương Cường vẫn chưa tìm ra giải pháp khả dĩ để “trừ tà”, cho chiếc ghế “ma ám” mà ông đang ngồi, để tránh vết xe đổ của những người tiền nhiệm. Dù ghế Chủ tịch nước là “hữu danh vô thực”, nhưng vẫn có rất nhiều thế lực muốn giành lấy, để tạo đà tiến tương lai. Hơn nữa, ghế này là một sự bảo đảm rằng, sẽ không bị truy tố dù tội nặng đến đâu, sau khi rời ghế.

Trên thực tế, từ nay đến Đại hội 14, nếu ghế Chủ tịch nước một lần nữa bị gãy, thì cũng không có gì phải ngạc nhiên. Bởi ông Tô Lâm rất e ngại việc hình thành liên minh quân đội, nên có thể sẽ ra ray.

Lúc này, ghế Chủ tịch nước của Lương Cường đang yếu, nếu không loại sớm, để đến khi 2 ông đại tướng quân đội chính thức bắt tay, thì Tô Lâm muốn lật, e là cũng khó.

 

Trần Chương – Thoibao.de