Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào đầu năm 2026, để bầu chọn một ban lãnh đạo Đảng mới. Tuy nhiên, với các biến động chính trị khó lường như hiện nay, câu hỏi ai sẽ là tân Tổng Bí thư vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn.
Từ cuối năm 2023 đến nay, tình trạng tranh giành quyền lực đã gây nên sự mất đoàn kết nghiêm trọng trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội bộ Đảng đã bị chia rẽ thành nhiều phe nhóm, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt “một mất một còn”. Đặc biệt là sự chia rẽ giữa các nhân vật trong “Tứ trụ” nắm quyền lực hàng đầu của Đảng.
Đó là Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ngoại trừ ông Trần Thanh Mẫn, một chính khách được cho là ba phải, không có biểu hiện tham vọng tranh giành quyền lực.
Còn lại, mối quan hệ giữa “Tam trụ” gồm Tô Lâm, Lương Cường và Phạm Minh Chính, đang đối mặt với nhiều thách thức, với những dấu hiệu của sự chia rẽ và cạnh tranh quyền lực quyết liệt. Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính, và Chủ tịch nước Lương Cường do có mối quan hệ “đặc biệt” gần gũi với Bắc Kinh, do đó được cho là có lợi thế hơn. Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc đấu tay ba đang ở vị thế thấp hơn.
Thời gian gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã liên tiếp thực hiện nhiều chuyến thăm và gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc. Điều đó sẽ củng cố vị thế chính trị của ông Chính trước Đại hội Đảng 14 đang đến gần.
Trong khi đó, Chủ tịch nước Lương Cường cũng có chủ trương duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc. Trước khi được bầu làm Chủ tịch nước vào ngày 21/10, ông Lương Cường, khi còn giữ chức Thường trực Ban Bí thư, đã thăm Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, trong một chuyến đi đầy bí ẩn trước khi nhậm chức Chủ tịch nước.
Mặt khác, trong mối quan hệ với Tổng Bí thư, có những thông tin cho rằng Trung Quốc đã bày tỏ thái độ không hài lòng đối với ông Tô Lâm trong các hoạt động đối ngoại.
Những diễn biến vừa kể đã dẫn đến những suy đoán cho rằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có thể là con át chủ bài. Trong khi Chủ tịch Lương Cường vẫn chỉ là một con cờ dự trữ của Bắc Kinh cho sau này.
Xét về mặt tiêu chuẩn, thì Tổng Bí thư Tô Lâm, và thủ tướng Phạm Minh Chính đều là trường hợp “ngoại lệ”, để được ở lại Đại hội 14, và có điều kiện ngang nhau. Nhưng hiện nay chưa có thể khẳng định ai sẽ được ở lại, hoặc cả hai sẽ được ở lại?
Thủ tướng Phạm Minh Chính được đánh giá là chính khách có khả năng ứng xử linh hoạt và khéo léo hơn so với Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông Chính đã có thời gian dài làm việc trong lực lượng tình báo của ngành công an. Những kinh nghiệm này có thể giúp cho ông Phạm Minh Chính có cái nhìn toàn diện và linh hoạt trong việc điều hành ở tầm vĩ mô.
Trong khi đó, Tổng Bí thư Tô Lâm được cho là có phong cách lãnh đạo cứng rắn. Việc ông Tô Lâm đã thực hiện nhiều động thái nhằm thâu tóm quyền lực, đã và đang là điểm yếu của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Có một số đánh giá cho rằng, trong bối cảnh chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14 tại thời điểm hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính được cho là vượt trội hơn so với ông Tô Lâm. Với lý do, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự ủng hộ nhiều hơn Tô Lâm, từ các lãnh đạo cấp cao trong nội bộ Đảng. Hơn nữa, ông Chính còn nhận được sự yểm trợ tối đa từ Ban lãnh đạo Bắc Kinh.
Đây sẽ là một thách thức không nhỏ của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc đua giành chức Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, sẽ tổ chức vào đầu năm 2026.
Trà My – Thoibao.de