Người Việt có câu, “miệng quan trôn trẻ” với hàm ý diễn tả cái thói nói lấy được, lật lọng, bất chấp phải trái của các quan chức. Xem ra có phần đúng với tính cách của Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngày 9/12, ông Tô Lâm giải thích về việc vì sao không giải thể Ban Kinh tế Trung ương, trong khi tiến hành giải thể, sáp nhập các ban đảng khác. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, không giải thể Ban Kinh tế Trung ương vì lo ngại về việc chệch hướng xã hội chủ nghĩa của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Ban Kinh tế Trung ương phải tồn tại để đảm bảo Việt Nam không vướng vào nguy cơ tụt hậu.
Ban Kinh tế Trung ương được thành lập từ những năm 1950, với chức năng, nhiệm vụ vẫn là tham mưu giúp ban lãnh đạo đảng đưa ra các quyết sách lớn về kinh tế – xã hội. Ban Kinh tế Trung ương và Ban Nội chính Trung ương, vào năm 2007, đã từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng.
Đến năm 2012, Tổng Bí thư Trọng đã cho tách biệt 2 ban này, mục đích là thâu tóm quyền lực từ Chính phủ của ông Ba Dũng. Khi đó, người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương là ông Vương Đình Huệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời của ông Trọng, Ban Kinh tế Trung ương hoàn toàn vô tác dụng, chỉ là nơi trung chuyển cho các lãnh đạo cao cấp chờ bị kỷ luật hay sắp nghỉ hưu.
Theo giới thạo tin, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Kinh tế Trung ương hiện tại là người có mối quan hệ như trong gia đình với Tổng Bí thư Tô Lâm. Cụ thể, trong thời kỳ chiến tranh trước năm 1975, cha của ông Trần Lưu Quang từng là cận vệ cho ông Tô Quyền, cha của ông Tô Lâm, khi ông Tô Quyền hoạt động tại tỉnh Tây Ninh. Điều này tạo nên mối ân tình, ân nghĩa giữa 2 gia đình.
Hơn nữa, trước khi ra Bắc, mẹ của ông Quang đã che chở cho ông Tô Quyền khi ông hoạt động ở Trung ương Cục miền Nam vào năm 1965. Sau năm 1975, gia đình ông Quang trở về Tây Ninh, trong khi ông Tô Quyền tiếp tục công tác tại miền Nam đến năm 1977.
Đây chính là lý do, ông Trần Lưu Quang có hoạn lộ hết sức thênh thang, với sự giúp đỡ của ông Tô Lâm, từ khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an. Cụ thể, ông Trần Lưu Quang được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng vào ngày 5/1/2023, phụ trách các lĩnh vực thay thế cho ông Phạm Bình Minh – Phó thủ tướng thường trực bị mất chức.
Tuy nhiên, do không phải là Ủy viên Bộ Chính trị, ông Trần Lưu Quang không thể đảm nhận vai trò Phó Thủ tướng Thường trực.
Ngay sau khi trở thành Tổng Bí thư, ngày 21/8, ông Tô Lâm đã quyết định điều động ông Trần Lưu Quang đang giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, về làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhằm tạo điều kiện cho ông Quang được bổ sung vào Bộ Chính trị trong tương lai.
Tuy nhiên, theo giới thạo tin, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang được xem là con bài “dự phòng” cho chức Thủ tướng, trong trường hợp ông Phạm Minh Chính bị đánh đổ. Đó là một trong những lý do, trên cương vị Tổng Bí thư, ông Tô Lâm trong thời gian gần đây đã đốc thúc Bộ Công an phải bắt bằng được bà “trùm” Nhàn AIC. Việc này nhằm củng cố quyền lực và kiểm soát chính trường của ông Tô Lâm.
Nhà báo Lê Huyền Ái Mỹ – cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, đã cảm thán rằng, nhân việc Tổng Bí thư Tô Lâm đến thăm và làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, trước nay bà vẫn hy vọng, với công cuộc “Cách mạng”, từ nay, nơi đây sẽ không còn là “bãi đáp”… của những chú chim ẩn mình trong bụi mận gai nữa, nhưng không phải như vậy.
Trà My – Thoibao.de