Ngày 11/12, ông Lương Cường – Chủ tịch nước, cùng với ông Hồ Đức Phớc – Phó Thủ tướng, kéo nhau đến Bộ Công an thúc ông Lương Tam Quang phải thực hiện việc tinh gọn bộ máy quân đội.
Đây là một nước cờ nhằm 3 mục đích. Thứ nhất, buộc ông Lương Tam Quang phải loại bỏ hàng loạt thuộc hạ, làm suy yếu thế lực Hưng Yên. Thứ nhì, qua đó, ông Lương Cường muốn chứng tỏ, chức Chủ tịch nước mà ông đang nắm giữ không phải là hữu danh vô thực. Cuối cùng, cho Tô Lâm thấy, ông đang củng cố lực lượng và liên kết với các phe nhóm khác để trở thành số đông và mạnh.
Tóm lại là, ông Lương Cường muốn khoe “cơ bắp”, trước một ông cơ bắp khác là Tô Lâm.
Chỉ một ngày sau, ông Tô Lâm – Tổng Bí thư, cũng xuất hiện tại Tổng Cục Chính trị Quân đội – nơi được xem là “sào huyệt” của ông Lương Cường tại Bộ Quốc phòng, để giáo huấn rằng, “Quân đội cần làm gương trong sắp xếp bộ máy”. Đây được xem là cú phản đòn của Tổng Bí thư, nhắm vào bộ máy cồng kềnh trong quân đội.
Nếu ông Lương Cường muốn Bộ Công an lọc bớt người, thì ông Tô Lâm cũng muốn Bộ Quốc phòng loại bỏ bớt nhân sự. Bên này tung quyền, bên kia liền trả cước.
Ông Lương Cường lấy tư cách là người Thống lĩnh lực lượng vũ trang, và là Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh Việt Nam, để “lên lớp” Bộ Công an. Còn ông Tô Lâm thì lấy tư cách là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, để “giáo huấn” Bộ Quốc phòng. Cả Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đều là lực lượng vũ trang, là 2 thanh gươm bảo vệ Đảng và nhà nước. Xem ra, 2 thanh gươm này hiện không cùng chí hướng, thậm chí còn chĩa mũi gươm vào nhau.
Ông Lương Cường là Đại tướng Quân đội thứ 2 ngồi ghế Chủ tịch nước, sau ông Lê Đức Anh. Ông Lê Đức Anh được xem là một Chủ tịch nước quyền lực. Bởi khi ngồi ghế này, ông lại nắm trong tay bộ mạnh nhất lúc đó là Bộ Quốc phòng. Có lẽ, giờ đây, ông Lương Cường đang muốn trở thành một Lê Đức Anh thứ 2. Vì vậy, ông tỏ ra rất cứng rắn, và rất năng nổ trong việc kéo bè kết cánh, tạo thanh thế. Tuy nhiên, đây là một canh bạc rất nguy hiểm, bởi nếu không thực sự có được thế lực như thể hiện, thì ghế Chủ tịch nước của ông khó mà giữ vững.
Chính sách tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy, đang được truyền thông đẩy lên thành tâm điểm. Nó thu hút được sự quan tâm, và nhận được nhiều lời khen ngợi. Bởi người dân đã quá chán ngán bộ máy cồng kềnh nhưng không hiệu quả hiện nay. Tuy nhiên, kết quả chính sách này ra sao thì chưa rõ, mà việc các bên lợi dụng chính sách này để phang nhau, thì dân đã thấy.
Dù 2 bên tìm cách ép buộc lẫn nhau, nhưng các bên có thực hiện việc tinh gọn này hay không, thì lại là chuyện khác. Khi 2 bên đều có tử huyệt, và đều bị đối thủ nhìn thấy, cách tốt nhất là thỏa hiệp để bảo toàn quyền lợi. Vì thế, nếu chỉ có một mình ông Lương Cường thúc Bộ Công an tự gọt chân cho vừa giày, thì có thể, ông Lương Tam Quang khó từ chối. Còn nếu bên này bị ông Lương Cường ép, nhưng bên kia cũng bị ông Tô Lâm gây áp lực, thì rất có thể, chẳng bên nào thực hiện.
Nếu ông Tô Lâm cũng dùng cách của ông Lương Cường, tấn công vào Bộ Quốc phòng, để rồi 2 bên đi đến thỏa hiệp, thì đấy chính là kế “vây Ngụy cứu Triệu”, tức là, tấn công vào thế tựa của đối phương, để giải vây cho phe mình.
Nhiều thập kỷ qua, từ khi Đảng Cộng sản cầm quyền, người dân chưa bao giờ được hưởng những chính sách vì dân, có lợi cho dân, mà chỉ ăn toàn bánh vẽ. Chế độ Cộng sản khiến đời sống người dân khốn cùng, nội lực suy kiệt, dân trí tổn thương, dân khí thì suy yếu. Ấy vậy mà, những kẻ cầm quyền vẫn vẽ ra “thiên đường xã hội chủ nghĩa”, rồi nào là năm 2020 Việt Nam thành nước công nghiệp tiến bộ, nào là đốt lò cho chính quyền trong sạch,… giờ lại đến việc tinh giảm biên chế, thu gọn bộ máy.
Xem ra, chính sách mới này có thể cũng chỉ là bánh vẽ, bởi nó đang dần lộ ra là công cụ, để triệt hạ phe phái.
Thái Hà – Thoibao.de