Nguyễn Trọng Nghĩa, cây gai của Tổng Trọng cài vào ghế Tô Lâm – Khi nào nhổ được?

Trong đồ án tinh giản Bộ máy Chính quyền, Tô Lâm có cho nghiên cứu sáp nhập Ban Tuyên Giáo Trung ương vào Ban Dân vận Trung ương. Hiện nay Trưởng ban Dân vận Trung ương là Mai Văn Chính – Ủy viên Trung ương Đảng còn Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương là Nguyễn Trọng Nghĩa – Thượng tướng quân đội và là Ủy viên Bộ Chính Trị.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa mới được kết nạp vào Bộ Chính Trị mới đây, sau khi Tô Lâm đánh gãy ghế Thường trực Ban bí thư của bà Trương Thị Mai. Đây được xem là nước cờ của ông Trọng cố gắng thực hiện trước khi lìa khỏi trần gian. Chiếc ghế ủy viên Bộ Chính trị đã khiến cho Nguyễn Trọng Nghĩa trở nên nặng ký hơn rất nhiều, không dễ để ông Tô Lâm nhổ đi.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa tuy chỉ là khuôn mặt mới trong Bộ Chính trị nhưng lại là nhân vật mà Tô Lâm rất khó xử lý. Nguyên nhân là ông Nguyễn Trọng Nghĩa trưởng thành từ Bộ Quốc phòng, nơi mà chỉ có cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng mới có thể điều tra ông Nghĩa, còn cơ quan điều tra của Bộ Công an phải bất lực. Muốn nhổ cái gai Nguyễn Trọng Nghĩa khỏi Ban Bí thư, chỉ có thể dùng cách khác chứ khó mà dùng “hồ sơ đen” như đã từng đánh Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai và Võ Văn Thưởng.

Việc đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương vào Ban Dân vận rõ ràng Tô Lâm đã đẩy Nguyễn Trọng Nghĩa đến thế phải “đấu tranh sinh tồn”, ông Nghĩa phải đấu với Mai Văn Chính để giữ lấy chiếc ghế cao nhất của 2 cơ quan khi sáp nhập. Nếu không có Tô Lâm hỗ trợ, ắt Mai Văn Chính không phải là đối thủ. Tuy nhiên, nếu Mai Văn Chính được Tô Lâm hỗ trợ thật thì cũng khó mà loại được Nguyễn Trọng Nghĩa.

Nguyễn Trọng Nghĩa và Lương Cường từng là phó và trưởng trong Tổng Cục Chính trị. Cả 2 đều được ông Nguyễn Phú Trọng trọng dụng và đang là thế lực mạnh trong quân đội. Gần đây ông Lương Cường lại gần gũi Phan Văn Giang, khiến cho Tô Lâm càng ngày càng khó khăn trong việc thâu tóm quyền lực. Khả năng cao, Nguyễn Trọng Nghĩa là phe Lương Cường trong Ban bí thư, sự xen kẽ này ắt sẽ gây bất lợi cho Tô Lâm không ít.

Nguyễn Trọng Nghĩa không đủ lực để hạ Tô Lâm, tuy nhiên, với lợi thế là Tướng quân đội mà đang là thành viên Ban bí thư, ông Tô Lâm khó mà tìm được lý do chính đáng nào để đẩy Nguyễn Trọng Nghĩa đi ngoại trừ hình thức tinh giảm biên chế.

Trước đây, Tô Lâm đã làm chủ hoàn toàn Bộ Công an và cho đến nay ông vẫn làm chủ, còn Ban bí thư, nếu không biến nó thành Bộ Công an thứ hai thì sức mạnh chính trị của ông Tô Lâm không thể trụ mãi ở vị trí số 1 được. Ban bí thư vẫn còn đó Nguyễn Trọng Nghĩa, Phan Đình Trạc và Trần Cẩm Tú.

Vị trí của Nguyễn Trọng Nghĩa rất quan trọng, Ban Tuyên Giáo được xem như là “cái miệng của Đảng Cộng Sản”, muốn thao túng toàn đảng và toàn dân thì Tô Lâm phải điều khiển được “cái miệng” này, biến nó thành nơi phát ra tiếng nói cho phe Hưng Yên. Ngày nào Nguyễn Trọng Nghĩa còn giữ ban này, ngày đó Tô Lâm vẫn chưa có sức mạnh đầy đủ.

Có ý kiến đánh giá Tô Lâm đang mạnh vô đối, không có thế lực nào có thể cản đường. Tuy nhiên, thực tế là sau khi có được chức Tổng bí thư, Tô Lâm vẫn chưa thể nào sắp xếp được Ban bí thư lại như ý được. Nhiệm vụ nhổ những cây gai do ông Nguyễn Phú Trọng cài lại vẫn còn đang là một thử thách đối với ông Tô Lâm. Một người đang sống và nắm trong tay rất nhiều quyền lực nhưng phải vất vả gỡ những nước cờ của người đã khuất thì đủ thấy ông Tô Lâm vẫn chưa thể đạt được những gì ông Nguyễn Phú Trọng đã từng đạt. Có lẽ ông Trọng biết trước Tô Lâm cướp ngôi nên cài lại những ông tướng quân đội trong Ban bí thư chăng?

Nếu không dọn di sản ổng Trọng ra khỏi Ban bí thư, lúc đó Tô Lâm vẫn chưa có sức mạnh tuyệt đối được.

Thái Hà-Thoibao.de