Cung đình đánh nhau, cả 2 phe kéo bô lão vào vòng chiến?

Ngày 8/12 vừa qua, ông Phan Văn Giang tổ chức một cuộc gặp mặt các cán bộ nghỉ hưu cao cấp của quân đội ở phía Bắc.

Tuy nhiên, đến dự lại có rất nhiều nhân vật cộm cán về hưu, không thuộc hàng tướng lĩnh. Cụ thể có: ông Nông Đức Mạnh – cựu Tổng Bí thư; ông Nguyễn Văn An – cựu Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Thế Duyệt – cựu Bí thư Hà Nội, cựu Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc; bà Nguyễn Thị Kim Ngân – cựu Chủ tịch Quốc hội; ông Phan Diễn – cựu Thường trực Ban Bí thư; và ông Trần Quốc Vượng – cựu Thường trực Ban Bí thư.

Ở chiều ngược lại, ông Tô Lâm cũng đã kết nối với các bô lão, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Trần Quốc Vượng lần lượt xuất hiện cạnh ông Tô Lâm. Đáng chú ý, ông Ba Dũng được xác định là bô lão “nặng ký” nhất trong hàng bô lão hiện nay. Sức ảnh hưởng của ông còn rất mạnh, và đã thể hiện rõ qua tiệc sinh nhật gần đây, tại tư gia của ông cựu Thủ tướng.

Bô lão là những nhân vật có uy, có khả năng quy tu quần hùng về dưới trướng, đằng sau hậu trường. Đây là việc “kéo bè kết cánh” để gây thanh thế. Không thể bỏ qua yếu tố này khi tranh giành quyền lực. Có lẽ vì vậy mà cả 2 phe quân đội và công an, đều cố tranh thủ sự ủng hộ của các bô lão.

Mới đây, vụ nổ tại khu huấn luyện của Quân khu 7, trong lúc có mặt ông Phan Văn Giang và ông Nguyễn Tân Cương – những lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng, là câu hỏi to tướng. Phải chăng, các phe đã mâu thuẫn đến mức phải cài thuốc nổ để hại nhau? Nếu đây là sự thật, thì có thể nói, mâu thuẫn trong nội bộ Đảng đã đến mức không thể hàn gắn.

Tô Lâm thì tận dụng quyền lực Tổng Bí thư và sức mạnh của Bộ Công an, để ráo riết thực hiện mưu đồ thanh trừng. Được thừa hưởng “cái lò” đang cháy của ông Nguyễn Phú Trọng – một công cụ thanh trừng rất hiệu quả, nhưng có vẻ như, “cái lò” ấy vẫn chưa đáp ứng được tham vọng của Tô Lâm.

Chính sách tinh giản biên chế được xem là một công cụ có hiệu quả hơn nhiều. Vì số lượng quan chức, từ Trung ương đến địa phương, bị loại khỏi vòng chiến trong thời gian tới, có thể dự đoán sẽ bằng nhiều năm đốt lò của ông Trọng.

Phía quân đội đang bị động, bộ máy điều tra của quân đội không thể sánh bằng bộ máy điều tra của công an. Phía quân đội cũng không sở hữu “cái lò” của ông Trọng, để chủ động hơn trong việc đánh tỉa đối thủ. Cuối cùng, phe quân đội không thể ra những chính sách có lợi cho họ và có thể áp dụng rộng khắp. Đấy là những bất lợi lớn cho phe quân đội trong cuộc chiến này. Do đó, điều mà phe quân đội có thể làm được, là lôi kéo các bô lão vào vòng chiến, để có thêm hậu thuẫn mà “nghênh chiến” với Tô Lâm.

Tiếng nói của các bô lão trong Đảng cũng có ảnh hưởng rất lớn, không thể bỏ qua, đặc biệt là đối với các ứng cử viên, sẽ vào các vị trí quan trọng của Đảng và nhà nước. Vậy nên, tranh thủ được bao nhiêu bô lão thì tốt bấy nhiêu. Trong cuộc chiến không khoan nhượng, thì hai bên giành giật nhau từng chút một.

Hiện nay, tên tuổi mạnh nhất trong giới bô lão, tất nhiên là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đứng sau ông Dũng, có thể là ông Trương Tấn Sang – cựu Chủ tịch nước, hay còn gọi là Tư Sang. Ông Sang có mối quan hệ đặc biệt với nhóm Hà Tĩnh – nhóm đang có quân số đông nhất nhì ở Trung ương Đảng.

Ông Trương Tấn Sang vẫn chưa thể hiện, ông sẽ đứng về phe nào, công an hay quân đội? Có lẽ, ông Sang đang là ẩn số. Sự chọn phe của ông cũng là điều mà giới thạo tin đang chờ đợi. Bởi khi ông Tư Sang theo phe nào, thì phe đó sẽ mạnh lên đáng kể.

 

Trần Chương – Thoibao.de