Ngày 11/12, tờ Lao Động đưa tin, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh đã đến thăm và làm việc với Bộ Công an. Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh yêu cầu Bộ Công an tiếp tục xây dựng tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh.
Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Việt Nam đang ráo riết thực hiện kế hoạch sắp xếp lại, và tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, từ Chính phủ, Quốc hội, cho tới các hội, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đều nỗ lực thu gọn quy mô, và cắt giảm biên chế.
Công luận đã đặt câu hỏi, tại sao Bộ Công an là cơ quan cồng kềnh bậc nhất, về ngân sách lẫn biên chế trong bộ máy nhà nước hiện nay, nhưng không hề bị Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập tới vấn đề tinh giản?
Theo giới chuyên gia, lực lượng công an ở Việt Nam vào khoảng 1,5 triệu nhân sự để quản lý 100 triệu dân. Trong khi ở Đức với số dân hơn 80 triệu, nhưng cũng chỉ có 300 ngàn cảnh sát. So sánh 2 dữ liệu trên cho thấy lực lượng công an của Việt Nam là quá đông.
Nếu như mức chi cho Bộ Quốc phòng của Việt Nam được cho là phù hợp, thì mức chi cho Bộ Công an lại vô cùng lớn. Ngân sách dành cho Bộ Công an trong nhiều năm qua đã duy trì ở mức rất cao, đặc biệt cao hơn đáng kể so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục.
Lãnh đạo nhà nước Việt nam luôn lấy lý do về tầm quan trọng của Bộ Công an để biện minh. Đây là một trong những cơ quan trọng yếu, liên quan trực tiếp đến sự ổn định của đất nước, để ứng phó với các thách thức an ninh ngày càng phức tạp.
Theo giới phân tích, Bộ Công an được xem là công cụ bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên khó có thể tinh giản. Bất kể điều này đã dẫn đến sự mất cân đối trong việc đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng khác như y tế và giáo dục, và nó ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công và phúc lợi xã hội.
Trong giai đoạn 3 năm gần đây, ngân sách cho Bộ Công an luôn ở vị trí cao thứ 2, chỉ sau Bộ Quốc phòng. Cụ thể, theo Dự toán Ngân sách năm 2024, phần dành cho Bộ Công an là 113 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14 nghìn tỷ đồng so với năm 2023. Ngân sách này cao hơn gấp 10 lần so với ngân sách dành cho Bộ Y tế và Bộ Giáo dục.
Công luận thấy rằng, Bộ Công an dưới thời của Bộ trưởng Tô Lâm, trong những năm gần đây đã “bày vẽ hết sức tốn kém”. Với những khoản chi không cần thiết liên quan đến quân số cũng như tổ chức. Ví dụ như việc, thành lập trung đoàn kỵ binh chủ yếu có tính chất hình thức, chứ không có ý nghĩa thực tế trong việc bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Đó là những bằng chứng cho thấy, ông Tô Lâm trước đây muốn xây dựng Bộ Công an trở thành một giang sơn riêng, với mục đích quản lý bao trùm cả bộ máy nhà nước và xã hội. Ông Tô Lâm muốn duy trì Bộ Công An làm cứ điểm phòng thủ, để khẳng định vị thế của mình, cũng như giữ quyền lực cho chính mình và phe cánh.
Tổng Bí thư Tô Lâm sau nhiều tháng trên cương vị người đứng đầu Đảng, vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ quyền lực. Đồng thời, thế lực có thẩm quyền điều tra chính bản thân Tổng Bí thư Tô Lâm và gia đình – Cơ quan Điều tra Hình sự của Bộ Quốc phòng, thì trực tiếp chịu sự điều hành của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang.
Trong bối cảnh này, mối quan hệ đoàn kết giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Đại tướng Phan Văn Giang, được xem là điều cần thiết để duy trì sự cân bằng quyền lực trong nội bộ Đảng cũng như giữa quân đội và công an.
Chủ tịch nước Lương Cường, trên tư cách Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh và người Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, đã bất ngờ đến thăm và làm việc với Bộ Công an. Việc này có liên quan gì đến câu thành ngữ của người xưa, “không vào hang cọp sao bắt được cọp”, với hàm ý, phải mạo hiểm thì mới có thể gặt hái thành công?
Trà My – Thoibao.de