Ông Nguyễn Xuân Phúc và một số cựu lãnh đạo bị kỷ luật

Ngày 13/12, RFA Tiếng Việt loan tin: “Ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và bà Trương Thị Mai bị kỷ luật”.

Theo đó, RFA cho hay, Bộ Chính trị tiếp tục tạo ra tiền lệ mới khi thi hành kỷ luật đối với cựu Chủ tịch nước, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trước đó, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đã cảnh cáo cựu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhưng tạm tha cho cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

RFA trích dẫn Thông tấn xã Việt Nam hôm 13/12, loan tin, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, và khiển trách cựu Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai, sau kỳ họp thứ 52 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng do ông Trần Cẩm Tú chủ trì.

Cơ quan thường trực của Ban chấp hành trung ương Đảng cho rằng, ông Nguyễn Xuân Phúc, trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

RFA cũng cho hay, Bộ Chính trị nêu những sai phạm của ông Trương Hòa Bình và Trương Thị Mai tương tự đối với ông Phúc, nhưng không nêu chi tiết hành vi của ba cựu lãnh đạo cấp cao này.

Điểm đáng chú ý là cơ quan này chỉ ra những lỗi sai của ông Nguyễn Xuân Phúc, xảy ra trong thời gian giữ chức Thủ tướng, ông Trương Hòa Bình giữ chức Phó Thủ tướng và bà Trương Thị Mai giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Cả 3 nắm các chức vụ này trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2021, trước khi nghỉ hưu như ông Trương Hòa Bình, hay thăng tiến trong các vị trí khác như Chủ tịch nước, hay Thường trực Ban bí thư.

Theo RFA, số phận của ông Nguyễn Xuân Phúc được quan tâm nhiều hơn kể từ đầu tháng 11, khi truyền thông nhà nước loan tin ông Mai Tiến Dũng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, bị truy tố.

Ông Dũng khai được “cấp trên” chỉ thị giải quyết các yêu cầu của công ty Sài Gòn Đại Ninh, dẫn đến những quyết định trái pháp luật vào năm 2020. Cấp trên của ông Dũng thời điểm đó là ông Trương Hòa Bình và Nguyễn Xuân Phúc.

Kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời hồi tháng 7/2024 và sau đó ông Tô Lâm kế vị, Đảng cầm quyền đã thi hành kỷ luật các cựu lãnh đạo cấp cao trong tứ trụ, điều mà ông Trọng không làm được trong chiến dịch “đốt lò”, và phải nghẹn ngào khi nhắc đến “đồng chí X”– tức cựu Thủ tướng Nguyễn Tuấn Dũng hồi năm 2012.

Trước đó, ngày 4/5, RFA đưa tin, Bộ Chính trị có quy định mới về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Theo đó, theo quy định mới, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ bao gồm: giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu, bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp, bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng, cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý.

RFA cho biết, quy định mới nêu rõ, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả sau khi đã chuyển công tác và về hưu trong hai trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan; không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác; Miễn nhiệm cán bộ không bảo đảm căn cứ, thủ tục theo quy định.

Quy định về công tác cán bộ của Đảng được đưa ra khi chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản được tiến hành rộng khắp, với việc khởi tố và bắt giam nhiều quan chức Đảng và Chính phủ, với cáo buộc nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

 

Thu Phương – thoibao.de